Chây ỳ giảm cước
Ngày 6/1/2015, khi giá xăng giảm còn 17.570 đồng/lít sau 8 lần giảm từ giữa năm 2014, lúc đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của thanh tra liên Bộ GTVT - Tài chính, giá cước vận tải taxi được đưa về mức phổ biến 8.000 - 9.000 đồng/km. Đến tháng 5/2015, khi giá xăng tăng lên mức 20.430 đồng/lít, các hãng taxi đồng loạt tăng giá cước lên mức thấp nhất cũng là 10.500 đồng/km. Từ tháng 6/2014 đến nay, sau 4 lần giảm giá liên tục, xăng đã giảm được 2.200 đồng/lít, tương đương khoảng 10%, nhưng giá cước taxi thì vẫn giữ nguyên. Theo tính toán, giá xăng, dầu giảm sẽ phải kéo giá cước của các doanh nghiệp vận tải xuống, vì chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải đối với xăng chiếm từ 25 - 35% giá thành (đối với taxi); còn dầu chiếm khoảng 35 - 40% đối với xe khách và vận tải hàng hóa.
|
Khi giá xăng giảm 2.200 đồng/lít, thì mỗi xe taxi sẽ giảm được khoảng 1,5 triệu đồng tiền xăng/tháng. Con số này nếu nhân với hàng chục nghìn taxi đang hoạt động, số tiền tiết kiệm được là nhiều chục tỷ đồng/tháng. Số tiền này đương nhiên sẽ chui vào túi các doanh nghiệp taxi, trong khi người tiêu dùng không được hưởng lợi. Thế nhưng, phía các doanh nghiệp vận tải vẫn nêu đủ lý do muôn thuở để không giảm giá cước, như: Trước đó, khi giá xăng tăng cao, cước taxi không tăng, nên bây giờ giảm thì cước taxi chưa thể giảm hay nhiều doanh nghiệp taxi viện dẫn việc phải cài lại đồng hồ phức tạp, tốn kém, nên phải cân nhắc phương án giảm giá…
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, giá cước taxi ở Hà Nội với loại xe 5 chỗ hiện phổ biển ở mức 11.000 đồng/km. Hãng Vic Taxi ghi hẳn ngoài xe cam kết “giá tốt nhất” và logo “đã giảm 800 đồng/km” (không rõ giảm khi nào) vẫn thu giá 11.000 đồng/km; hãng taxi giá rẻ Bắc Á cũng thu 10.800 đồng/km; còn các hãng taxi hạng sang như Mai Linh, Taxi Group đều thu từ 12.000 - 14.000 đồng/km với xe 5 chỗ…
Theo đánh giá của một lãnh đạo bến xe ở Hà Nội, vì lợi nhuận, việc các doanh nghiệp vận tải tăng thì nhanh, giảm thì “chây ì” là điều dễ hiểu. Vì thế, nếu các cơ quan chức năng không kiểm soát, đốc thúc chặt chẽ, các doanh nghiệp sẽ cố tình lờ đi. Tìm hiểu tại các bến xe Hà Nội, giá vé xe khách tuyến Hà Nội - TP Nam Định phổ biến được các hãng thu là 60.000 đồng/lượt, xe khách chất lượng cao Phương Trang có giá vé cao hơn 75.000 đồng/lượt; tuyến Hà Nội - Thái Bình có giá vé khoảng 75.000 - 80.000 đồng/lượt; các tuyến xe khác thu cước trung bình 500 - 600 đồng/km… Mức giá này được “ấn định” từ năm 2014 đến nay, bất kể giá nhiên liệu lên hay xuống. Đại diện một doanh nghiệp xe khách tại TP Hải Phòng khi được hỏi đã “né tránh” kế hoạch giảm cước theo giá xăng và cho hay: Trong cơ cấu giá thành vận tải, ngoài xăng dầu còn phải tính cả chi phí phát sinh về phụ tùng, in vé, cài đặt lại đồng hồ, chi phí “bôi trơn”… nên tăng giảm vài nghìn đồng không đáng kể.
“Bó tay” buộc nhà xe giảm giá cước
Lãnh đạo các bến xe ở Hà Nội cho rằng mình không có quyền yêu cầu các nhà xe hoạt động tại bến phải giảm giá mà chỉ tuyên truyền, vận động họ điều chỉnh giá vé cho hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và hành khách. “Chúng tôi không có chức năng nhà nước để làm việc này, nếu cứ làm thì sẽ bị các doanh nghiệp vận tải kiện. Để đảm bảo quyền lợi cho hành khách, chúng tôi chỉ tuyên truyền trên loa phát thanh của bến, để các nhà xe thực hiện theo đúng công văn hay quyết định của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về việc điều chỉnh giá vé cho phù hợp khi giá xăng dầu giảm”, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho hay.
Theo công văn số 11473/BGTVT-VT của Bộ GTVT gửi Sở GTVT các địa phương đề nghị các doanh nghiệp vận tải phải kê khai và niêm yết giá cước theo quy định. Đặc biệt, phải điều chỉnh giảm giá cước vận tải đường bộ phù hợp theo mức giảm giá nhiên liệu hiện hành. Kết quả thực hiện phải báo cáo UBND cấp tỉnh, Bộ GTVT, Bộ Tài chính trước ngày 30/9. |
Ghi nhận của phóng viên tại Bến xe Mỹ Đình, mới có 6 doanh nghiệp trên tổng số 233 doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến tiến hành giảm giá vé; Bến xe Nước Ngầm mới có 1 doanh nghiệp vận tải đăng ký giảm giá cước, còn lại 79 doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến vẫn “án binh bất động”.
Ông Đào Thường, một hành khách ở bến Giáp Bát chờ xe đi thành phố Thanh Hóa. Nói về việc nhà xe giảm giá vé, ông Thường cho biết: “Chúng tôi nghe báo, đài nói giá xăng giảm mạnh, các cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách giảm giá vé, nhưng tôi đi xe thường xuyên vẫn chưa thấy họ giảm. Chúng tôi mong muốn các nhà xe giảm giá vé để người dân được hưởng lợi”.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để các doanh nghiệp không thể chây ì, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trước khi có thể xây dựng và hình thành được một thị trường vận tải cạnh tranh, thì trước mắt, liên Bộ vẫn cần một chế tài mạnh để yêu cầu doanh nghiệp giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm mạnh. Chỉ khi doanh nghiệp bị “điểm mặt chỉ tên” mới chịu giảm giá.
Thông thường, xăng dầu biến động 10%, thì các doanh nghiệp vận tải cần điều chỉnh giá cước. Tuy nhiên, Hiệp hội chỉ đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp giá niêm yết giá hợp lý, tránh bị khách hàng tẩy chay. Giá cước vận tải vận hành tự do theo cơ chế thị trường, nên để thị trường quyết định. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. |