Cơ sở lọc dầu của Tập đoàn dầu khí khổng lồ Pháp Total tại Donges, miền tây Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tính tới 18 giờ 41 phút giờ GMT (tức 1 giờ 41 phút sáng giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ) giảm 0,4%, xuống 1.144,65 USD/ounce. Trước đó, có thời điểm giá kim loại quý này hạ xuống 1.142,10 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2014. Cũng trong phiên này, giá vàng giao tháng 8/2015 cũng lùi 0,3%, xuống 1.143,90 USD/ounce; còn giá bạc mất 0,7%, xuống 14,98 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thế giới trong phiên 16/7 dao động trái chiều trong bối cảnh đồng bạc xanh mạnh lên và những lo ngại dai dẳng về tình trạng dư cung vẫn không ngừng “ám ảnh” giới đầu tư.
Cụ thể, chốt phiên này, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Tám giảm 50 xu xuống còn 50,91 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lại tăng 46 xu lên khép phiên ở mức 57,51 USD/thùng.
Theo ông Phil Flynn tại Price Futures Group, có rất nhiều nhân tố trái chiều chi phối giá “vàng đen” trong phiên này. Trong số đó, các nhân tố tiêu cực gồm có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành tăng lãi suất theo đúng lộ trình trong năm nay và nỗi lo về tình trạng dư cung dầu thế giới. Trong khi đó, các nhân tố tích cực, theo ông Phil, là các số liệu khả quan từ nhu cầu về dầu của các nhà máy lọc dầu Mỹ. Theo đó, Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) mới đây cho biết các nhà máy lọc dầu Mỹ hiện đang vận hành với công suất 95,3% trong tuần kết thúc vào ngày 10/7, cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu của Mỹ hiện đang ở mức cao.
Đồng bạc xanh hiện được giao dịch ở mức cao nhất trong bảy tuần so với đồng tiền chung châu Âu, và mức cao nhất trong ba tuần so với đồng yen của Nhật Bản. USD mạnh lên khiến dầu được định giá bằng USD trở nên đắt đỏ hơn so với khách hàng nắm giữ các đồng tiền khác cũng được coi là nhân tố chi phối bước đi của “vàng đen” trong phiên này.