Bản tin phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế cho thấy, trong ngày 11/4 ghi nhận 183 ca mắc COVID-19 (tăng 70 ca so với ngày trước đó), là ngày có số mắc cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay. Trong tuần từ 3-9/4, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh so với các tuần trước đó.
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), những ngày gần đây, số bệnh nhân mắc COVID-19 tăng mạnh, nhiều người phải thở oxy. Trong tháng 3/2023, Bệnh viện ghi nhận 25 bệnh nhân; từ đầu tháng 4 đến nay con số này đã tăng gấp 3 lần, tức là 75 bệnh nhân.
Phần lớn bệnh nhân mắc là những người trẻ, có triệu chứng ho, sốt, đau họng, tự test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nên vào viện khám. Họ được bác sĩ kê đơn về điều trị tại nhà. Những trường hợp nặng, suy hô hấp được chỉ định nhập viện. Hiện, Bệnh viện có 10 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, tất cả đều trên 60 tuổi, có các bệnh lý khác như cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư. Đáng chú ý, những bệnh nhân đang điều trị COVID-19 tại đây đều thuộc đối tượng cần tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 nhưng hầu hết mới chỉ tiêm 2 hoặc 3 mũi, thậm chí có người chưa tiêm mũi nào.
Báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Văn Bàn (Lào Cai) cũng cho biết từ ngày 7-10/4 ghi nhận 52 ca mắc COVID-19, đều là cán bộ, giáo viên và học sinh Trường Trung học Cơ sở Khánh Yên; trong đó, 32 trường hợp mắc lần thứ hai, 20 trường hợp mắc lần đầu. Đa số trường hợp mắc đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế ca mắc và tử vong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ nhất; xây dựng các kịch bản đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các Trung tâm y tế tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại nơi đông người; kiểm soát tốt các ổ dịch, nhanh chóng khoanh vùng, không để các ca bệnh lây lan rộng ra cộng đồng; tiếp tục theo dõi các trường hợp cách ly tại nhà, đặc biệt là trẻ em, người già, người có bệnh nền kèm theo. Khi phát hiện bệnh nặng, bệnh nhân phải được đưa ngay vào điều trị cách ly tại cơ sở khám chữa bệnh... Bên cạnh đó, công tác tiêm chủng vaccine COVID-19, tiêm vét, tiêm mũi nhắc lại phải được tăng cường, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ tiêm cho trẻ em 5-17 tuổi.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.528.042 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.500 ca mắc).
Cũng trong ngày 11/4, đã có 36 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số người được điều trị khỏi lên 10.615.134 trường hợp. Hiện có 10 bệnh nhân đang thở oxy qua mặt nạ.
Trung bình 7 ngày qua chưa ghi nhận ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm 0,4% so với tổng số ca mắc. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong/triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), số ca tử vong/triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Trong ngày 10/4 đã có 10.221 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm, như vậy đến nay đã có tổng số 266.032.619 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.458.479 liều: Mũi 1 là 70.907.438 liều; mũi 2 là 68.449.513 liều; mũi bổ sung là 14.370.085 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 52.010.431 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 17.721.012 liều.
Tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.964.983 liều: Mũi 1 là 9.130.472 liều; mũi 2 là 9.021.223 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.
Tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.609.157 liều: Mũi 1 là 10.198.742 liều; mũi 2 là 8.410.415 liều.
Theo nhận định của Bộ Y tế, kể từ đầu tháng 4, số ca COVID-19 có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt trong các ngày cuối tuần và đầu tuần qua, số ca COVID-19 được báo cáo trên hệ thống đã tăng gấp 5-6 lần so với trung bình 2 tháng gần đây. Cũng theo các chuyên gia y tế, số ca COVID-19 gia tăng do miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa, là điều kiện thuận lợi cho các virus phát triển, trong đó có virus SARS-CoV-2, cùng với đó là tâm lý chủ quan trong phòng bệnh. Ngoài ra cũng có nguyên nhân là do nhiều người dân gần đây đã bỏ qua tiêm phòng vaccine COVID-19, dẫn đến đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng giảm, lây lan dịch có xu hướng trở lại.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro; bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng, chống dịch với các biện pháp khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế; tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Ngành cũng tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gene nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt khi các biến thể mới của virus cũng như các biến thể phụ có khả năng gây bệnh nặng, né tránh miễn dịch hay giảm hiệu quả thuốc chữa bệnh.
Bộ Y tế thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng COVID-19, đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao; đảm bảo công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp các ca mắc COVID-19 tăng cao. Bộ Y tế đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch bệnh; tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu và tại cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới.
PV