Nằm khép mình dưới chân núi Đẫu, ngọn núi cao nhất của huyện Đoan Hùng, làng văn hóa Ngọc Tân có khoảng 170 hộ với hơn 600 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào Cao Lan. Điều dễ nhận thấy nhất ở đây là cuộc sống người dân đang dần được cải thiện. Trong mỗi bước đi lên của mảnh đất vùng sâu, vùng xa này đều có sự đóng góp của già làng Sầm Xuân Sinh.
Già làng Sầm Xuân Sinh là người có uy tín của làng văn hóa Ngọc Tân. |
Có thể nói, cuộc đời già làng Sầm Xuân Sinh là một chuỗi quá trình cống hiến. Thời trai trẻ thì cống hiến cho cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, khi về già thì dồn tâm sức vào vận động bà con trong làng xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống. Đến nay, dù đã 90 tuổi nhưng già làng vẫn thường xuyên phối hợp với ban công tác mặt trận đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà Nguyễn Thị Hải, cán bộ văn hóa xã Ngọc Quan cho biết: “Cụ Sinh là cây đại thụ của làng, một lời nói của cụ có sức lan tỏa lớn và được tất cả mọi người quý trọng”.
Già làng Sầm Xuân Sinh là người gìn giữ nhiều hiện vật quý của đình làng Ngọc Tân, trong đó có cuốn Ngọc phả bằng chữ Hán. |
Không những thế, già làng Sầm Xuân Sinh còn là người tích cực vận động đồng bào trong làng xóa bỏ các tập tục lạc hậu và giữ gìn bản sắc văn hóa. Trên cương vị Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử đình làng Ngọc Tân, già làng Sinh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan. Ông còn là người trực tiếp gìn giữ và bảo quản nhiều hiện vật quý của đình làng Ngọc Tân, trong đó có cuốn Ngọc phả bằng chữ Hán và 4 đạo sắc phong từ thời Nguyễn.
Dù đã tuổi già xế bóng nhưng già làng Sầm Xuân Sinh vẫn là chỗ dựa không chỉ của bà con xã Ngọc Quan mà còn nhiều hộ đồng bào Cao Lan khác trên địa bàn huyện Đoan Hùng.
Thu Hiền