Gia Lai: Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Gia Lai: Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
 Không gian phiên chợ Kinh-Thượng được tái hiện trong lễ hội cầu huê.
Không gian phiên chợ Kinh-Thượng được tái hiện trong lễ hội cầu huê.

Đây là 3 loại hình trong nhiều những di sản văn hóa phi vật thể ở đây đã được công nhận, bên cạnh đó còn những di sản độc đáo khác như các lễ hội truyền thống liên quan đến vòng đời và nông nghiệp, câu đố, dân ca, truyện cổ, múa... Bảo tàng Gia Lai hiện đang lưu giữ hơn 8.000 hiện vật, tài liệu hiện vật các loại. Với các chức năng của một Bảo tàng cấp tỉnh trực thuộc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, từ khi thành lập (1989) đến nay đã luôn làm tròn vai trò của một nơi lưu giữ ký ức thời gian, tuy nhiên việc đưa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đến gần với công chúng hơn thì chưa thực hiệu quả. Từ 1989 đến nay, số lần tổ chức các cuộc giới thiệu trình diễn văn hóa phi vật thể đến công chúng là rất ít. Gần đây nhất, Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, được sự đồng ý cho phép của UBND tỉnh và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bảo tàng đã tổ chức tái hiện “Hội hát cầu huê của người Việt vùng An Khê”-một lễ hội đã thất truyền hơn 60 năm qua. Tuy chỉ diễn ra từ 14 giờ đến 23 giờ song sự kiện này đã thu hút hơn 3.000 lượt khách đến xem hát, thưởng thức ẩm thực, tham gia các trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa với nhau. Thời gian không nhiều song các hoạt động của hội hát đã thu hút đông đảo nhân dân trên địa bàn đến thưởng thức, tham quan, vui chơi, sinh hoạt tích cực. Đến gần cuối tháng 4-2015, Bảo tàng tổ chức thành công “Lễ trao bằng chứng nhận của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa sử thi Bahnar vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Tại lễ này, một số trích đoạn sử thi được hát kể bởi các nghệ nhân trong mô hình nhà rông có sắp đặt bếp lửa, gác bếp, cầu thang khá sinh động, 10 nghệ nhân đến từ các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai gồm: Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro đã thể hiện tài năng của mình qua từng trích đoạn diễn xướng. Đây là lần đầu tiên những người dân Phố núi được thưởng thức một di sản văn hóa phi vật thể đã nghe nhắc đến nhiều trên mảnh đất bazan Gia Lai, quê hương của 34 dân tộc anh em cùng chung sống song hôm đó họ mới được mắt thấy, tai nghe. Từ hai dẫn chứng thực tế này, có thể tạm khẳng định việc trình diễn giới thiệu văn hóa phi vật thể tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai có sức hấp dẫn công chúng khá lớn và việc tuyên truyền bảo tồn phát huy nó trong cộng đồng bằng hình thức trình diễn giới thiệu tại khuôn viên Bảo tàng vào các dịp sự kiện, lễ tết là phù hợp và đem lại hiệu quả khả quan.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, do những lý do khách quan và chủ quan như: Năng lực tổ chức của người làm công tác bảo tàng của địa phương còn hạn chế, nguồn kinh phí chi cho hoạt động này không có hoặc ít, sự thiếu quan tâm, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan trong việc bảo vệ di sản văn hóa truyền thống của địa phương, công tác tuyên truyền chưa tốt, việc chọn lựa tác phẩm trình diễn chưa đảm bảo tính tiêu biểu, xuất sắc, chất lượng các chương trình chưa sâu, hấp dẫn, phần tổ chức lễ còn nặng nề lễ nghi khánh tiết... là những nguyên nhân cơ bản làm cho việc trình diễn giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể tại Bảo tàng Gia Lai còn ít và chưa thu hút được rộng rãi công chúng quan tâm.  

Bảo tàng là một thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên con người và môi trường sống của con người nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Với chức năng này, những năm qua, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã nỗ lực làm tốt trong khả năng cho phép. Tuy nhiên, thời gian tới để làm tốt những nhiệm vụ này nói chung cũng như việc trình diễn giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tại Gia Lai nói riêng, Bảo tàng cần nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các tộc người tại địa phương, có chủ trương cụ thể và ngân sách phù hợp cho phép tái hiện, phục dựng các lễ hội truyền thống đang dần mất đi trong đời sống hiện đại, có chế độ cho các nghệ nhân dân gian xứng đáng theo kỳ hoạt động, Bảo tàng cần chủ động sưu tầm, nghiên cứu, lập kế hoạch cụ thể cho mỗi cuộc trình diễn giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể, tăng cường xã hội hóa đối với các hoạt động này, chú trọng công tác tổ chức và truyền thông vận động cộng đồng tham gia hưởng ứng, kết hợp trình diễn giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể với các hoạt động dịch vụ Bảo tàng để nâng cao chất lượng phục vụ du khách và nhân dân, kết nối với các đơn vị lữ hành trong tỉnh và khu vực để tổ chức trình diễn giới thiệu di sản theo nhu cầu du khách, xây dựng kế hoạch và tổ chức định kỳ để hướng công chúng đến một hoạt động mang tính ổn định, một hoạt động của cộng đồng vì cộng đồng, thành lập một kênh thông tin tuyên truyền riêng về hoạt động trình diễn giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể giúp tạo ra một môi trường thông tin dễ dàng tiếp cận, người chịu trách nhiệm thực hiện tổ chức điều hành phải có trách nhiệm và được hưởng chế độ rõ ràng, cần có tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ tổ chức, có chế độ khen thưởng, phạt lỗi đúng đắn đối các thành viên tổ chức...

Như vậy có thể nói hình thức trình diễn giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể không phải là hoạt động xa lạ và khó thực hiện đối với các bảo tàng nói chung và Bảo tàng tỉnh Gia Lai nói riêng. Trong thời điểm hiện tại khi đời sống vật chất và tinh thần đã, đang từng ngày nâng lên thì cơ hội dành cho các bảo tàng trong lĩnh vực và thể loại hoạt động này khá nhiều, nếu các Bảo tàng biết tổ chức khai thác hoặc liên kết tổ chức thực hiện sẽ cùng lúc mang lại nhiều lợi ích: Đó là hỗ trợ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể một cách tích cực, đồng thời thể hiện được giá trị và tầm quan trọng của Bảo tàng đối với cộng đồng rộng lớn của mình.

Báo Gia Lai

Có thể bạn quan tâm