Gia Lai: Hiệu quả chương trình xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc

Bà con 4 làng Đồn, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện(Gia Lai) đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cho năng suất cây trồng cao hơn trước. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Bà con 4 làng Đồn, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện(Gia Lai) đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cho năng suất cây trồng cao hơn trước. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, địa phương đã có 110 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây từng bước được nâng lên.

Gia Lai: Hiệu quả chương trình xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc ảnh 1Bà con 4 làng Đồn, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện(Gia Lai) đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cho năng suất cây trồng cao hơn trước. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Chương trình xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là mô hình mang tính đặc trưng riêng của tỉnh Gia Lai. Giai đoạn 2018 - 2022, địa phương có 206/968 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Để góp phần vào thực hiện có hiệu quả chương trình này, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2761/KH-UBND, ngày 4/12/2019 về triển khai Đề án hỗ trợ thôn, làng đặc biệt khó khăn khu vực biên giới xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019 - 2020 theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở 41 thôn, làng của 6 xã biên giới. Sau 2 năm triển khai đã có 15/41 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. 

Có được kết quả khả quan trên, 5 năm qua, các địa phương trong tỉnh đã huy động hơn 1.500 tỷ đồng để triển khai xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, ngân sách nhà nước gần 1.300 tỷ, vốn doanh nghiệp hỗ trợ gần 24 tỷ, vốn nhân dân đóng góp trên 153 tỷ, vốn tín dụng 43,5 tỷ đồng. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới trong làng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, tạo sức lan tỏa rộng khắp. Người dân đã hiến 400.830 m2 đất ở, đất vườn và góp 96.411 ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa, nhà ở, các công trình phụ trợ; chủ động di dời chuồng trại, đào hố rác, trồng cây xanh...

Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết, Chỉ thị 12 là văn bản đặc trưng riêng của tỉnh. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện trong thời gian tới; đồng thời xác định rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Hệ thống chính trị cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, thường xuyên, liên tục và thực chất. Xây dựng làng nông thôn mới không chỉ là điện, đường, sắp xếp nhà ở mà con em trong độ tuổi phải được đến trường; người dân đau ốm được điều trị. Đời sống người dân được nâng lên và không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đề nghị, thời gian tới, các địa phương huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực; lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, phong trào, cuộc vận động trên địa bàn để xây dựng làng nông thôn mới; đồng thời tranh thủ hỗ trợ của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để tạo nguồn lực tổng hợp trong xây dựng làng nông thôn mới và tạo điều kiện hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Các sở, ban, ngành tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương thực hiện và đánh giá các tiêu chí của ngành quản lý; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét; tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững".

Các sở, ban, ngành tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò chủ thể là nhân dân, chủ động tham gia thảo luận, quyết định và tổ chức xây dựng làng nông thôn mới, khu dân cư xanh - sạch - đẹp, có kinh tế - xã hội phát triển, an ninh trật tự đảm bảo, đoàn kết thống nhất, cộng đồng trách nhiệm, phát huy bản sắc văn hóa để cùng xây dựng đời sống mới…

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm