Gia Lai: Giải bài toán thiếu nhân lực ngành Giáo dục và Y tế

Một tiết học tại Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Nguồn: baogialai.com.vn
Một tiết học tại Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Nguồn: baogialai.com.vn

Câu chuyện thiếu nhân lực tại Gia Lai một lần nữa làm nóng nghị trường Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021- 2026) diễn ra từ ngày 6-8/7. Để giải được bài toán này không chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, cấp mà còn phụ thuộc vào các chủ trương, chính sách của Chính phủ cùng các bộ, ngành.

Gia Lai: Giải bài toán thiếu nhân lực ngành Giáo dục và Y tế ảnh 1Một tiết học tại Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Nguồn: baogialai.com.vn

Đối với tỉnh Gia Lai, câu chuyện thiếu nhân lực ở ngành Giáo dục và Y tế thực sự là một bài toàn nan giải. Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Hiện toàn ngành Giáo dục đang thiếu rất nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, nhân viên kế toán, văn thư, thư viện. Số giáo viên, nhân viên thiếu trong năm học 2022- 2023 lên đến 4.481 người.

Theo ông Lê Duy Định, Sở đang phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các huyện xây dựng kế hoạch số lượng người làm việc và đề xuất tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho năm học 2022-2023 trong biên chế được giao chưa tuyển dụng (787 biên chế); trong đó, ưu tiên tuyển dụng các vị trí giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nhân viên y tế, kế toán. Đồng thời, Sở xác định nhu cầu giáo viên, nhân viên để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo với Bộ Nội vụ xem xét, đề xuất Chính phủ bổ sung đủ biên chế giáo viên nhằm đáp ứng quy mô phát triển trường, lớp và nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Gia Lai Nguyễn Đình Tuấn cũng xác nhận: Năm 2021, địa phương có 110 cán bộ y tế nghỉ việc. Riêng 6 tháng đầu năm, tiếp tục có thêm 23 người. Đặc biệt, tại Gia Lai hiện một số bệnh viện không có bệnh nhân nên không có lương chi trả cho nhân viên y tế. Nguyên nhân là do từ năm 2017, ngành Y tế Gia Lai triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Đến nay, toàn tỉnh có 27 đơn vị sự nghiệp y tế công lập được giao quyền tự chủ (4 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động, 21 đơn vị tự bảo đảm một phần và 2 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí). Trong năm 2021 đến hết tháng 6/2022, các đơn này được chuyển đổi thành bệnh viện điều trị COVID-19, tập trung cho công tác thu dung, cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19. Vì vậy, số lượt người dân đến khám, điều trị các bệnh thông thường giảm mạnh dẫn đến nguồn thu thiếu hụt. Nhiều đơn vị không đủ kinh phí trả lương.

Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, trước mắt, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng bác sĩ, bác sĩ cử tuyển cho các đơn vị trong ngành trong năm 2022 và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Sở cũng được giao nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền chính sách đặc thù đối với cán bộ, nhân viên y tế để thu hút nguồn nhân lực gắn bó lâu dài. Đến nay, tỉnh đã cấp kinh phí chi trả đủ lương, phụ cấp và các khoản phải trả theo lương đầy đủ cho nhân viên y tế đến tháng 6/2022.

Trước thực trạng đó, tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021- 2026), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Ngọc Thành đã có những chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho hai ngành ở góc độ địa phương. Theo đó, trong khi chờ quyết định từ Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; sắp xếp lại trường, lớp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngành Y tế cần tiếp tục rà soát đội ngũ công nhân, viên chức để có chính sách tuyển dụng nhân lực.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm