Gia Lai định hướng phát triển cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Nguyễn Hoài Nam - TTXVN |
Theo ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, các doanh nghiệp có diện tích cao su bị chết, kém phát triển chuyển đổi sang trồng các loại cây nông nghiệp, cây công nghiệp phải dựa trên cơ sở các loại cây trồng này đã được trồng thử nghiệm thành công và được phê duyệt theo từng dự án. Ngoài ra, các diện tích cao su chết, kém phát triển chuyển đổi sang cơ cấu cây trồng khác phải nằm trong diện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối giai đoạn (2016-2020) của tỉnh Gia Lai được Chính phủ phê duyệt. Sau khi chuyển đổi các diện tích cao su sang trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp, chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế theo đúng qui định, ông An cho biết thêm. Việc chuyển đổi các diện tích cây cao su bị chết, kém phát triển sang trồng các loại cây trồng khác là rất cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ môi trường và duy trì quỹ đất lâm nghiệp để phát triển rừng. Trước đó, thực hiện dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, từ năm 2008 đến năm 2011, tỉnh Gia Lai đã phê duyệt 44 dự án cho 16 doanh nghiệp trồng cao su với tổng diện tích hơn 32.000 ha (trong đó đất có rừng hơn 29.000 ha, đất chưa có rừng hơn 3.200 ha). Đến nay, các đơn vị đã triển khai trồng hơn 25.000 ha cao su, tuy nhiên, trong số này có tới hơn 12.000 ha bị chết và kém phát triển. Theo đánh giá của các tổ chức khoa học và ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến việc các diện tích cao su chết, sinh trưởng kém là do địa hình đất là rừng khộp, thành phần cơ giới chủ yếu là đất cát, đất cát pha thịt hoặc pha sét biến tính không phù hợp với cây cao su.
Nguyễn Hoài Nam