Tỉnh Gia Lai luôn quan tâm thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, gia đình, trẻ em, bảo đảm tốt việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã biên giới. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 1602 về việc thực hiện Chương trình giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Theo đó, kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong đó phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm bình quân trên 3%; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; phấn đấu 95% người đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe phát thanh.
Về giáo dục và đào tạo, tỉnh Gia Lai phấn đấu tỷ lệ học sinh học Mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 98%, học sinh trong độ tuổi học Tiểu học (trên 97%), học Trung học Cơ sở (trên 95%), học Trung học Phổ thông (trên 60%), người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông (trên 90%).
Tỉnh tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; trên 85% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc được sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%.
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu nâng cao vai trò tham mưu của các cấp, các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp thực hiện công tác dân tộc; cụ thể hóa các nội dung, phân công nhiệm vụ cụ thể, tăng cường công tác phối hợp để chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Tỉnh xác định phạm vi, đối tượng, thời gian thực hiện, nội dung công việc, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện Chương trình, đảm bảo kịp thời, đồng bộ, tuân thủ quy trình, quy định của Nhà nước.
Là tỉnh miền núi - biên giới nằm ở phía bắc Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23% dân số toàn tỉnh.
Bước vào năm đầu triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được kỳ vọng là chương trình tổng lực giúp thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhận thức được điều này, tỉnh Gia Lai đã và đang chủ động triển khai các bước đi nhằm phát huy tốt nhất nguồn lực từ Chương trình.
Chúng tôi về xã biên giới Ia Puch thuộc vùng khó khăn, đời sống bà con nơi đây cũng đã được chính quyền quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt, đặc biệt là y tế, dân số, gia đình, trẻ em. Trạm Y tế xã có 5 biên chế viên chức và 4 nhân viên y tế thôn, cùng 7 cộng tác viên dân số làm công tác chuyên môn, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến nhân dân. Nhờ làm tốt công tác y tế dự phòng, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh ổn định, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như COVID-19, bạch hầu, Zika, H5N1 không xảy ra. Ngoài ra, các chương trình y tế khác như phòng, chống phong, lao, sốt rét, sốt xuất huyết, công tác tiêm chủng mở rộng cũng được xã Ia Puch quan tâm, triển khai đồng bộ đạt 100% nên không có các trường hợp bất thường xảy ra.
Năm 2022, xã Ia Puch đã khám và cấp thuốc cho 2.608/2.420 người, đạt 107,7% kế hoạch; điều trị ngoại trú 189 ca, không có bệnh nhân điều trị nội trú, bệnh nhân chuyển viện 19 ca; sinh 59 trẻ; tiêm chủng cho 530 người. Ngoài ra, xã còn tổ chức cho trẻ từ 6-60 tháng tuổi uống thuốc giun và Vitamin A, đạt 100% kế hoạch; cấp 1.850 chiếc màn đôi cho 661 hộ/3.061 khẩu.
Trưởng Trạm Y tế xã biên giới Ia Puch, ông Vũ Văn Chư cho biết, công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình được Trạm Y tế xác định là mũi nhọn của việc tuyên truyền vận động quần chúng, nòng cốt chủ yếu là y tế thôn bản-cộng tác viên dân số, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc xã và chính quyền thôn. Công tác tuyên truyền đã mang lại hiệu quả tích cực, gia đình sinh con thứ 3 trở lên giảm qua từng năm. Năm 2022 xã đã triển khai chiến dịch kế hoạch hóa gia đình đợt 2 tại 4/4 làng với khoảng 657 lượt người tham gia. Qua các đợt chiến dịch, 495 người thực hiện các biện pháp tránh thai. Chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em cũng được Trạm Y tế xã tích cực thực hiện, theo đó tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 26%.
Không chỉ xã Ia Puch mà các xã biên giới như Ia Mơ (Chư Prông), Ia O (Ia Grai), Ia Chía (Đức Cơ) hay tại các xã biên giới khác của tỉnh Gia Lai đều được chính quyền địa phương quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các trạm Y tế xã biên giới đã phối hợp với chính quyền địa phương thông qua các cuộc họp, tổng kết thôn, xóm, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng nhà tiêu đảm bảo vệ sinh không phóng uế bừa bãi. Theo đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của các xã biên giới tỉnh Gia Lai là gần 80%, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 70%.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cơ sở cũng quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, ổn định nền nếp, giờ giấc dạy và học, duy trì sĩ số học sinh; thực hiện chương trình dạy theo đúng quy định nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; chú trọng công tác kiểm tra học đường và an toàn giao thông ở các trường học; tổ chức tổng kết năm học 2021-2022; quản lý tốt vật chất, trường lớp trong thời gian nghỉ hè; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, tổ chức dọn vệ sinh, phun thuốc khử trùng trường lớp thường xuyên để phòng, chống dịch bệnh; tổ chức xét, tuyển học sinh, khai giảng năm học 2022-2023 đúng quy định.
Ông Siu Nghiệp, Chủ tịch UBND xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, cho hay năm 2023, yêu cầu đặt ra là xã phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023; đồng thời củng cố vững chắc quốc phòng-an ninh, phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phát triển và nhân rộng mô hình trồng lúa nước 2 vụ, trồng xen các loại cây ăn trái và các mô hình nuôi dê, bò sinh sản, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Hồng Điệp