Ghép tế bào gốc, hồi sinh những cuộc đời

Ghép tế bào gốc, hồi sinh những cuộc đời
"Phương pháp ghép tế bào gốc (TBG), cùng tấm lòng và trình độ chuyên môn cao của các y, bác sỹ của Viện huyết học đã giúp chúng tôi có được cơ hội hồi sinh, cơ hội sống lần thứ 2”, cô gái xinh xắn Nguyễn Thị Thanh Hương, Bắc Giang, một trong những bệnh nhân được ghép TBG điều trị bệnh ung thư máu, nghẹn ngào chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 10 năm ghép TBG, tổ chức ngày 16/5, tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Ghép tế bào gốc, hồi sinh những cuộc đời ảnh 1
Kỹ thuật viên truyền khối tế bào gốc cho bệnh nhân ung thư máu.

Hơn 3 năm trước, trong một lần ốm, sốt dài ngày, Thanh Hương bất ngờ phát hiện mình bị ung thư máu. Nhớ lại những ngày đó, Hương cho biết: “Em đã rất buồn, không một từ nào có thể diễn tả được tâm trạng của em lúc đó. Một vài bạn nằm cùng khoa Ghép TBG đã chán nản, tuyệt vọng, thậm chí có bạn đã tự tử sau khi biết tin mắc bệnh giống em. Vậy nên, cũng đã có lúc em dặn dò bố mẹ, khi em mất thì mặc quần áo gì…”. Nhưng sau đó, nhờ sự tư vấn, an ủi và cả dỗ dành của các y, bác sĩ, Hương và gia đình đã quyết định lựa chọn phương pháp ghép TBG đồng loài (nhận TBG từ chị gái của Hương).
Sau khi được ghép TBG tại Viện, Hương chỉ phải dùng thuốc thêm 6 tháng theo chỉ định của bác sĩ. Và đến nay, cứ 2 tháng một lần, Hương lại lên Viện để kiểm tra định kỳ. “Từ lâu, em không phải dùng thêm thuốc gì. Sức khỏe của em rất bình thường. Tới đây, sau 6 tháng em mới phải lên Viện kiểm tra sức khỏe một lần”, Hương hồ hởi chia sẻ.
Theo Phó Viện trưởng Bạch Quốc Khánh, sự lạc quan, niềm hạnh phúc của những bệnh nhân như Thanh Hương thực sự là nguồn động lực cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ y bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trong quá trình tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học, thực hiện tốt nhiệm vụ chữa bệnh cứu người.
Mặc dù xuất phát điểm muộn hơn (sau 10 năm) so với toàn quốc (ca ghép TBG đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện vào năm 1995), nhưng 10 năm qua, Viện đã thực hiện 204 ca ghép TBG điều trị bệnh máu và cơ quan tạo máu, đuổi kịp số lượng ca ghép được thực hiện tại BV Huyết học TP Hồ Chí Minh trong 21 năm (210 ca). Trong số đó, có 111 ca ghép tự thân và 93 ca ghép đồng loài.
“Sau 10 năm ghép TBG, đối với ghép tự thân và đồng loài, tỷ lệ bệnh nhân còn sống đến thời điểm 5/2016 tương ứng là 70% và 63,3%. Đặc biệt, trong nhóm ghép đồng loài, các bệnh nhân thuộc nhóm bệnh máu lành tính hiệu quả ghép khá cao, đạt 89,6%”, Phó Viện trưởng Bạch Quốc Khánh cho biết.
 
Đến nay, ghép TBG cho các nhóm bệnh đa u tủy xương, ulympho ác tính, thalassemia, rối loạn sinh tủy, suy tủy xương... đã trở thành phương pháp điều trị thường quy của Viện. Quy trình ghép ngày càng được hoàn thiện giống như phác đồ chuẩn của thế giới.
Thực tế, Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng đã góp phần tích cực trong việc cung cấp nguồn TBG cho hoạt động ghép. Tháng 12/2014, Viện đã tiến hành ca ghép đồng loại không cùng huyết thống đầu tiên sử dụng mẫu máu dây rốn của Ngân hàng. Tính đến hết năm 2015, Viện đã thực hiện thành công 10 ca ghép TBG từ nguồn máu tại Ngân hàng. Kết quả trên đã khẳng định các mẫu máu dây rốn từ Ngân hàng có chất lượng và tiềm năng ứng dụng rất tốt và có thể đáp ứng được nhu cầu ghép TBG đồng loại ngày một tăng của bệnh nhân.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mạnh lĩnh vực TBG và ghép với nhiều nhóm bệnh tiếp tục được ứng dụng, nhằm đem lại hiệu quả tốt hơn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân”, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, khẳng định.
Tế bào gốc có khả năng tự tăng sinh, biệt hóa thành nhiều loại tế bào, các mô, cơ quan khác nhau của cơ thể. Dùng tế bào gốc trong điều trị chính là đưa vào cơ thể các tế bào non trẻ để có thể tạo ra các loại tế bào, mô mới để bổ sung hoặc thay thế cho tế bào và mô cơ quan bị tổn thương, mất chức năng.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm