Gặp gỡ hữu nghị nông dân Việt Nam - Lào - Campuchia gắn với nông sản sạch

Gặp gỡ hữu nghị nông dân Việt Nam - Lào - Campuchia gắn với nông sản sạch
Các đại biểu Việt Nam, Lào, Campuchia cùng cắt băng khai mạc Hội chợ. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN
Các đại biểu Việt Nam, Lào, Campuchia cùng cắt băng
khai mạc Hội chợ. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Tham dự Chương trình có ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Meas Pyseth, Phó Quốc vụ khanh Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia, Trưởng đoàn đại biểu Vương quốc Campuchia; ông Nhiakerya Nochochongtoua, Phó Chủ tịch Mặt trận Lào Xây dựng đất nước, Trưởng đoàn đại biểu nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; cùng hàng trăm đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp Lào, Campuchia và 63 tỉnh, thành của Việt Nam.

Tại Hội chợ, Ban tổ chức bố trí 255 gian hàng, trong đó có 25 gian hàng của các doanh nghiệp Lào và Campuchia; 230 gian hàng nông sản, đặc sản của 38 tỉnh, thành với 42 doanh nghiệp của Việt Nam. Riêng tỉnh Lâm Đồng có 80 gian hàng.

Gian hàng nông sản của một doanh nghiệp Campuchia. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN
Gian hàng nông sản của một doanh nghiệp Campuchia.
Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Phát biểu khai mạc Chương trình, ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đánh giá: Trong thời gian qua, mặc dù Campuchia và Lào không có tổ chức Hội Nông dân như của Việt Nam nhưng qua nhiều kênh và nhiều hình thức phù hợp, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam luôn quan tâm chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh tích cực hỗ trợ nông dân các tỉnh giáp biên giới của Campuchia và Lào trong các hoạt động như hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, hỗ trợ cây giống, giới thiệu và chuyển giao kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi cho các bạn…

Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia lần thứ nhất được tổ chức tại thành phố Đà Lạt có một số hoạt động như: Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ba nước; Hội chợ nông sản sạch ba nước; tham quan một số mô hình sản xuất, cơ sở kinh tế, văn hóa và khảo sát thực địa tại thành phố Đà Lạt để tìm hiểu về hoạt động của nông dân địa phương…
Nhiều sản phẩm rau củ công nghệ cao của Đà Lạt hấp dẫn người xem. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN
Nhiều sản phẩm rau củ công nghệ cao của Đà Lạt
hấp dẫn người xem. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Ông Meas Pyseth, Phó Quốc vụ khanh Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia, cho biết: Từ sau ngày giải phóng, thoát khỏi chế độ diệt chủng của Pol Pot ngày 17/1/1979, chúng tôi bắt đầu từ con số không, thiếu thốn tất cả, từ lương thực, thực phẩm. Được sự giúp đỡ tận tình của nước Việt Nam và Lào, nền kinh tế của Campuchia đã được phục hồi từ năm 1995. Đến nay, Campuchia tự hào đã sản xuất và xuất khẩu mỗi năm 6 triệu tấn gạo ra thế giới. Tuy nhiên hiện nay, nông dân Campuchia vẫn phải đương đầu với những khó khăn như trong sản xuất thức ăn gia súc vẫn phải sử dụng các nguyên liệu không sạch, không tốt cho những người sử dụng. Để khắc phục hạn chế đó, Chính phủ và Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia khuyến khích các thành phần kinh tế sản xuất ra các sản phẩm sạch để phục vụ người tiêu dùng. Chính phủ Campuchia luôn khuyến khích, động viên các doanh nghiệp sang học hỏi các nước trong khu vực như Lào, Việt Nam, Thái Lan, vì đây là những nước có điều kiện tự nhiên tương đồng. Tại Chương trình này, đoàn Campuchia mong muốn được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đoàn của 63 tỉnh thành Việt Nam và đoàn của nước bạn Lào để về phổ biến kinh nghiệm cho những người sản xuất…

Ông Nhiakerya Nochochongtoua, Phó Chủ tịch Mặt trận Lào Xây dựng đất nước Lào, đánh giá: Chương trình gặp gỡ là cơ hội để trao đổi hợp tác, là hoạt động khuyến khích xuất khẩu tiêu dùng của các nhà đầu tư 3 nước. Trong thời kỳ đổi mới, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào đánh giá cao vai trò sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và khu vực. Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đánh giá cao việc sản xuất nông nghiệp sạch gắn liền với phát triển du lịch. Tại Hội chợ Nông sản sạch này, đoàn của Lào có 21 doanh nghiệp tham gia trong các lĩnh vực chế biến nông sản, sản xuất phụ tùng, thủ công mỹ nghệ. Hy vọng Chương trình sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, trao đổi thương mại giữa ba nước Lào, Việt Nam và Campuchia…

Sau Lễ khai mạc “Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia gắn với Hội chợ nông sản sạch”, Đoàn đại biểu của ba nước sẽ tham dự một số nội dung như: Tham quan các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Trang trại Đà Lạt Hasfarm, Công ty TNHH Đà Lạt GAP và Làng hoa Vạn Thành; hội kiến giữa Trưởng đoàn Lào, Campuchia với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng; Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào chuỗi an toàn thực phẩm và bao tiêu nông sản…Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia gắn với Hội chợ nông sản sạch tại Đà Lạt diễn ra từ ngày 30/11 đến hết ngày 2/12/2019./.
Chu Quốc Hùng
BADTMN/TTXVN

Có thể bạn quan tâm