Người dân xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, chăm sóc rừng trồng. Ảnh: baolaocai.vn |
Đây là khẳng định của ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai tại hội nghị báo cáo kết quả thực hiện Chương trình UN-REDD giai đoạn II tại tỉnh Lào Cai diễn ra vào sáng 11/1 tại Lào Cai. Trong 5 năm qua, giá trị sản phẩm của Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã tăng từ 10-15% nhờ được Chương trình UN-REDD hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Điều này đã giúp công ty mở rộng thị trường bước đầu tăng thu nhập ổn định cuộc sống cho người trồng rừng và tăng phần đóng góp bào nguồn thu ngân sách. Tương tự, sản phẩm hồng Bảo Hà ở huyện Bảo Yên tăng năng suất 10-15%/năm, giá trị tăng từ 500.000 - 600.000 đồng/cây với sự hỗ trợ kỹ thuật cải tạo vườn hồng và cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm từ Chương trình UN-REDD giai đoạn II. Là một trong 6 tỉnh cùng với Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lâm Đồng, Ca Mau được tham gia thí điểm thực hiện Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II, những năm qua, các hoạt động của chương trình đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm hộ dân hàng nghìn lao động Lào Cai. Bên cạnh đó, với nguồn kinh phí giải ngân đạt xấp xỉ 38 tỷ đồng (83% kế hoạch). Chương trình đã góp phần giảm nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng tại các địa phương trên địa bản tỉnh Lào Cai. Chương trình đã kết nối các doanh nghiệp trong việc hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác tiêu thụ dược liệu cho người dân địa phương. Qua đó, đáp ứng mục tiêu quản lý bền vững vào bảo tổn đa dạng sinh học về tài nguyên rừng thông qua phát triển sinh kế. Chương trình cũng hỗ trợ cộng đồng, người dân trồng gần 200 ha rừng bằng các loài: quế, trẩu, xoan... trên diện tích nương thoái hóa dọc hai bên đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội thuộc địa bàn huyện Bảo Yên và Văn Bàn. Hoạt động này đã khuyến khích và thu hút nhiều hộ tại 5 xã Bảo Hà, Cam Cọn, Kim Sơn (huyện Bảo Yên), Tân An, Tân Thượng (huyện Văn Bàn) tham gia trồng rừng, tự đầu tư trồng mới được trên 1.800 ha rừng. Trong tương lai những diện tích rừng ngày sẽ đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân tại các địa phương. Ở mô hình hỗ trợ làm giàu, 360 ha rừng phòng hộ đã được trồng bổ sung bằng cây lát, táo mèo tại 4 xã Thải Giàng Phố, Lầu Thí Ngài, Lùng Phình (huyện Bắc Hà), xã Lử Thẩn (huyện Si Ma Cai), quế, xoan tại Bản Cầm, quế tại Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) và đào, sa mộc tại xã Sa Pả (huyện Sa Pa) đã tạo ra phong trào phát triển kinh tế gia đình qua các mô hình trồng rừng. Ông Tô Mạnh Tiến cho rằng, việc hỗ trợ sinh kế thông qua các mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ như: dược liệu, cây ăn quả, cây thực phẩm của chương trình được kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong tương lai. Ngoài ra, chương trình cũng góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và Kế hoạch Bảo vệ phát triển rừng hằng năm của Lào Cai. Theo đánh giá từ các đại biểu dự hội nghị, các mô hình trồng rừng, mô hình sinh kế đã làm thay đổi căn bản tập quán sử dụng đất lâm nghiệp từ trồng sắn trên nương rẫy, xử lý thực bì bằng thuốc diệt cỏ sang trồng rừng. Qua đó, góp phần giảm ô nhiễm không khí, nước cho các khu dân cư góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, toàn bộ các hoạt động của chương trình đã được đóng lại vào ngày 31/12/2018. Để tiếp nối những thành quả đã đạt được những năm qua từ Chương trình UN-REDD, Ban quản lý chương trình UN-REDD tỉnh Lào Cai kiến nghị, Tổng cục Lâm nghiệp và Ban quản lý chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II tạo điều kiện tiếp tục hỗ trợ một số mô hình thông qua các chương trình dự án mới. Đồng thời, kiến nghị với UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các ngành địa phương tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm duy trì những kết quả do chương trình đã xây dựng và bố trí nguồn kinh phí từ các dự án. Tiếp tục các chính sách thu hút, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết với các cộng đồng, tổ hợp tác, hợp tác xã có các mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ phát triển rừng. Chương trình UN-REDD giai đoạn II được Chính phủ Na Uy tài trợ thông qua 3 cơ quan liên hợp quốc: Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Tổ chức Nông lương thế giới.
Hương Thu