Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh

Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh
Nên thơ biển Sầm Sơn

Có chiều dài chạy suốt 6km từ của biển Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ, Sầm Sơn là nơi có các bãi tắm thoai thoải, sóng lớn rất thích hợp cho loại hình nghỉ dưỡng vào mùa hè.

Từ thời Pháp thuộc, Sầm Sơn đã là địa điểm nghỉ mát nổi tiếng xứ Đông Dương. Nhiều thập niên sau đó, hàng loạt các biệt thự nghỉ mát đã mọc lên ở đây. Vua Bảo Ðại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng cho xây một biệt điện riêng ở Sầm Sơn.

Hiện nay, chính quyền địa phương đã đầu hàng trăm tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều doanh nghiệp, tư nhân cũng đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới nhà nghỉ phục vụ du khách. Hàng loạt các dịch vụ tiện ích và hệ thống nhà hàng khách sạn quy mô được đưa vào sử dụng mùa du lịch biển 2016 nên lượng khách tăng đột biến.
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 1
Một góc bãi tắm B của khu du lịch Sầm Sơn nhìn từ flycam. Ảnh: Hoàng Hà
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 2
Du khách đón bình minh trên bãi biển Sầm Sơn. Ảnh: Đức Hạnh
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 3
 Những em bé nghịch sóng trên biển Sầm Sơn lúc bình minh. Ảnh: Công Đạt
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 4
Thuyền cứu hộ của Đội cấp cứu biển theo dõi sát bảo đảm an toàn cho du khách. Ảnh: Công Đạt
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 5
Những chiếc chong chóng tô điểm thêm sắc màu cho bãi biển Sầm Sơn. Ảnh: Công Đạt
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 6
Du khách có thể chụp ảnh lưu niệm tại những mô hình được tạo nên từ cát. Ảnh: Trần Thanh Giang
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 7
Những cánh diều no căng gió trong chiều vàng ruộm nắng trên bãi biển Sầm Sơn. Ảnh: Trọng Chính
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 8
Những bãi đá lớn, xếp lớp lô xô do sóng biến ở Vụng Tiên, dưới chân núi Đầu Voi cũng là một điểm đến thu hút du khách. Ảnh: Trọng Chính
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 9
Vẻ đẹp của biển Sầm Sơn khi hoàng hôn buông xuống. Ảnh: Công Đạt
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 10
Sự bình yên, tĩnh lặng của biển Sầm Sơn trong ánh sáng cuối ngày. Ảnh: Công Đạt
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 11
Diện mạo Sầm Sơn hè 2016 đã được thay đổi hoàn toàn trở thành điểm đến thu hút rất đông du khách đến nghỉ dưỡng. Trong ảnh: Đường Hồ Xuân Hương ven biển đã được mở rộng gấp đôi, bên cạnh là các hubway. Ảnh: Trần Thanh Giang
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 12
2016 cũng là năm Sầm Sơn được đầu tư xây dựng nhiều nhất từ trước tới nay khi ngân sách tỉnh đã chi hàng trăm tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều doanh nghiệp, tư nhân đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới nhà nghỉ, khách phục vụ du khách. Ảnh: Trần Thanh Giang
Sầm Sơn đã đón hơn một triệu lượt khách du lịch trong tháng 5/2016, bình quân có tới 50.000 lượt khách/ngày. Đặc biệt, số lượng khách lưu trú đã tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2015. (Nguồn: Báo Thanh Hóa)
Buổi sáng, ngắm bình minh trên bãi biển Sầm Sơn là khoảnh khắc ấn tượng dành cho du khách đến đây nghỉ dưỡng. Đó là thời điểm mà ánh sáng mặt trời kỳ ảo chuyển dần màu từ màu đỏ hồng sang ruộm vàng trải dài bất tận khắp bãi biển. Du khách có thể hòa mình vào làn nước trong mát, tận hưởng từng đợt sóng bạc đầu vỗ về khắp cơ thể khi ngày mới bắt đầu.

Đây cũng là thời điểm từng đoàn thuyền đánh cá của ngư dân Sầm Sơn cập bờ, bày bán đủ các loại hải sản tươi ngon. Chọn lựa một vài loại hải sản phù hợp, nhờ chính những ngư dân bản địa chế biến là du khách đã có một bữa sáng thú vị bên bờ biển.

Buổi chiều, Sầm Sơn những ngày hè đông như có hội. Trên bãi biển dài 6 km đông kín du khách tắm biển. Để đảm bảo an toàn cho cho khách vẫy vùng trong làn nước xanh mát của biển cả, chính quyền ở đây đã bố trí nhiều điểm cứu hộ cả trên bờ và dưới bãi tắm. Với hệ thống loa phát thanh, du khách được hướng dẫn cẩn thận cách tắm biển an toàn và những thông tin dịch vụ tiện ích cũng như tìm người thân bị lạc.

Điểm đến của du lịch tâm linh

Về xứ Thanh, bạn sẽ được nghe một truyền thuyết rất đẹp về vọng phu hóa đá chờ chồng đi biển. Đó là sự tích Hòn Vọng Phu núi Nhồi kể câu chuyện người phụ nữ bế con lên đỉnh núi hóa đá chờ chồng, nước mắt của nàng hóa thành dãy núi Trường Lệ. Có lẽ vì thế và trên dãy núi Trường Lệ đã hình thành hệ thống đền, chùa, và các di tích liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh của người miền biển.
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 13
Ngay từ sáng sớm, Lễ hội Bánh Dày - Bánh Chưng 2016 với đội hình rước kiệu của 7 làng có di tích thuộc 5 xã, phường trên địa bàn Thị xã Sầm Sơn trong trang phục lễ hội truyền thống cùng những lễ vật tâm linh, diễu quanh các đường phố chính sau đó tề tựu về sân đền Độc Cước. Ảnh: Trọng Chính
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 14
Đội hình rước kiệu của các làng rước kiệu Thánh lên đền Ðộc Cước trên núi Trường Lệ. Ảnh: Hoàng Hà
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 15
Nghi thức rước kiệu của các làng trên đường phố Sầm Sơn. Ảnh: Trọng Chính
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 16
Sau phần nghi lễ truyền thống là các hoạt động tế lễ trên sân đền Độc Cước. Ảnh: Hoàng Hà
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 17
Trên núi Trường Lệ là đền Độc Cước uy nghi, cổ kính, nơi thờ Thần Độc Cước và Mẫu Liễu Hạnh. Đó là những nơi mà du khách thường tới viếng thăm mỗi khi đến Sầm Sơn. Trong ảnh: Tượng thần Độc Cước đặt trong chính điện của Đền. Ảnh: Hoàng Hà
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 18
Những chiếc bánh dày có đường kính 30cm, bánh chưng mỗi cạnh 40cm được chuẩn bị công phu từ khâu chọn gạo, đậu, thịt, lá gói đến kỹ thuật chế biến, được đặt trang trọng trên những chiếc kiệu cùng dân các làng đưa về tế lễ ở khu vực Đền Ðộc Cước. Ảnh: Hoàng Hà
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 19
Đền Cô Tiên nằm trên đỉnh núi Đầu Voi cuối dãy Trường Lệ là ngôi đền cổ có lịch sử hình thành từ thời nhà Lý thờ Tam tòa Thánh Mẫu, gồm Thánh mẫu Thượng Thiên (bà chúa Liễu Hạnh), Mẫu Thượng Ngàn, Thánh mẫu Thoải. Ảnh: Trọng Chính
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 20
Một góc Đền Cô Tiên trên núi Trường Lệ. Ảnh: Hoàng Hà
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 21
Lễ hội Bánh Dày - Bánh Chưng diễn ra trong 2 ngày 18, 19/6 (14,15/5 âm lịch) tại khu Cảng cá Lạch Hới,
phường Quảng Tiến với hàng loạt các hoạt động như rước kiệu, tế cầu ngư,.... Ảnh: Trọng Chính

 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 22
Nghệ nhân của các làng trong trang phục lễ hội tham gia đoàn rước. Ảnh: Trọng Chính
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 23
Một khách du khách đến từ Quận Hoàng Mai (Hà Nội) tham gia đoàn rước và lễ tế bên trong Đền Ðộc Cước trong những ngày diễn ra lễ hội. Ảnh: Trọng Chính
Sầm Sơn là địa phương có 5 ngôi đền được công nhận là di tích cấp quốc gia là Đền Độc Cước, Đền Cô Tiên, Đền Tô Hiến Thành, Đền Đề Lĩnh, Đền Cá lập.
Trong số các di tích đó, Đền Độc Cước nằm ở phía Bắc dãy núi Trường Lệ nổi tiếng là linh thiêng. Ngư dân vùng ven biển Sầm Sơn còn lưu truyền truyền thuyết, ngày xưa có một chàng trai sức khỏe phi thường đã tách đôi thân mình, một nửa cùng dân làng ra khơi đánh cá diệt trừ thủy quái, nửa còn lại đứng ở đầu dãy núi Trường Lệ. Dân nhớ ơn, xây đền thờ gọi là Đền Độc Cước. Mặt khác, Thần Độc Cước là hiện thân của mặt trăng nên ngư dân Sầm Sơn mô phỏng hình mặt trăng khuyết để chế ra chiêc bè mảng làm công cụ đi biển. Ngư dân xứ Thanh vẫn tin rằng, trước mỗi lần ra khơi vị thần này đều theo ngư dân để bảo vệ trước sóng to gió lớn.

Theo thời gian, niềm tin ấy đã thành hội, người miền biển Sầm Sơn cứ đến ngày 11 - 13/5 (Âm lịch) lại tổ chức Lễ hội Bánh Dày - Bánh Chưng để cầu Thần Độc Cước ban cho mưa thuận gió hòa. Lễ hội diễn ra đúng vào mùa du lịch biển nên trở thành một phần của sản phẩm du lịch xứ Thanh và mang đến cho du khách một không gian tâm linh linh thiêng.

Trên con đường chạy xuyên dãy núi Trường Lệ, du khách sẽ được dừng chân và chiêm bái Hòn Trống - Mái, Đền Cô Tiên, Đền Tô Hiến Thành. Không những thế, những bãi đá mang nhiều hình thù kỳ lạ dưới chân núi cũng là không gian đón gió biển thi vị dành cho du khách ưa thích sự lãng mạn.

Nghề đi biển bằng bè mảng

Tháng 3/1993, nhà thám hiểm Tim Severin người Ireland đã đến Sầm Sơn tìm hiểu về nghề đi biển bằng bè mảng và kết hợp với người dân bản địa đóng chiếc bè mảng lớn thực hiện chuyến hành trình vượt Thái Bình Dương có tổng chiều dài 5.500 hải lý. Nhờ đó, nghề làm bè mảng ở Sầm Sơn đã được cả thế giới biết đến.
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 24
Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào ngày hôm sau. Ảnh: Trần Thanh Giang
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 25
Khoảng 5h sáng, chợ cá Sầm Sơn đã tấp nập các ghe, thuyền cập bến. Ảnh: Trần Thanh Giang
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 26
Bè tre của ngư dân xóm Chài (Sầm Sơn) chuẩn bị ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Hoàng Hà.
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 27
Nét văn hóa đặc trưng cư dân ngư nghiệp Sầm Sơn là ghề khai thác hải sản bằng bè mảng. Kỹ thuật đóng bè tre Sầm Sơn đã có từ lâu đời với vật liệu là những cây bương tốt và sử dụng những sợi dây mây cột lại. Ảnh: Trọng Chính
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 28
Một góc bãi neo đậu thuyền bè của ngư dân xóm Chài sau ngày lao động. Ảnh: Hoàng Hà
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 29
Những con thuyền gối bãi nghỉ ngơi sau những chuyến ra khơi. Ảnh: Trần Thanh Giang
 
Sầm Sơn - vùng sơn thuỷ hữu tình xứ Thanh ảnh 30
Sinh hoạt của ngư dân các làng chài ven biển xứ Thanh cũng là những điểm khám phá thú vị đối với du khách đến Sầm Sơn. Ảnh: Trọng Chính

Ngày nay, nghề đi biển bằng bè mảng độc đáo vẫn được ngư dân Sầm Sơn duy trì và phát triển. Để làm một chiếc bè, người ta phải cất công mua và chọn những cây luồng, cây bương còn tươi ở vùng miền núi Tây xứ Thanh sau đó kết lại thành khối để làm phương tiện đi lại trên biển. Đến Sầm Sơn, du khách có thể khám phá cách ngư dân đẩy những tấm bè mảng ra khơi vào sáng sớm và khi chiều buông có thể chọn mua nhiều loại hải sản tươi ngon khi bè cập bến.

Có thể bạn quan tâm