Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ đã tích cực đôn đốc các bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ.
Trong sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ (gồm 25 vụ thuộc bộ, ngành và giảm 119 vụ và tương đương thuộc tổng cục); giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành. Đồng thời, các bộ, ngành đã ban hành 18/19 thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, Bộ Nội vụ đã tham mưu ban hành Thông báo Kết luận số 114/KL-BCĐĐMSXTCBM ngày 8/12/2023 của Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ làm cơ sở để triển khai sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành theo hướng thu gọn đầu mối, nâng cao tự chủ về tài chính và thúc đẩy xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công để đạt mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Theo đó, dự kiến kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành đến hết năm 2024 còn 895 đơn vị sự nghiệp công lập (chưa bao gồm 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đang tổng hợp trong phương án sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp), giảm 140 đơn vị so với năm 2021 (tương ứng giảm 13,53%). Cùng với đó, đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập đạt khoảng 63% (tăng 24% so với năm 2021).
Cũng theo Bộ Nội vụ, các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong, theo đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện trong cả nước; đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập. Tính đến hết năm 2023, đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập; riêng năm 2023 đã giảm 236 đơn vị, còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2022 có 46.621 đơn vị).
Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là 345 đơn vị (0,74%), đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên là 2.538 đơn vị (5,47%), đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là 8.559 đơn vị (18,45%), đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 34.943 đơn vị (75,34%).
Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ kết quả rà soát số liệu biên chế viên chức đang đảm nhiệm vị trí việc làm là công chức tại các bộ, ngành, địa phương để điều chỉnh, bổ sung biên chế với một số bộ, ngành do được giao thêm nhiệm vụ, theo đó đã bổ sung gần 10.500 biên chế công chức cấp xã, bổ sung trên 28.700 biên chế giáo viên cho các địa phương.
Chu Thanh Vân