Đồng Tháp đang vào mùa mưa kết hợp với lũ từ thượng nguồn đổ về khiến tình hình sạt lở bờ sông thêm phức tạp. Tại Đồng Tháp đã xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân.
Mới đây, khu vực bờ sông Tiền đoạn qua ấp Thượng, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình đã xảy ra vụ sạt lở với chiều dài khoảng 30m, ăn sâu vào đất liền 22m, gây thiệt hại 2 ngôi nhà. Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức di dời khẩn cấp 17 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Cách đó không xa, tại khu vực nhà của anh Đinh Tấn Phước cùng ngụ xã Tân Quới xảy ra vụ sạt lở khác, ăn sâu vào đất liền khoảng 20m.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quới Nguyễn Văn Minh, toàn xã hiện có chiều dài vành đai nguy cơ sạt lở hơn 9km, với 351 hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, khoảng cách nhà tiếp giáp bờ sông từ 7-60m. Trong đó, ấp Thượng có 43 hộ dân nằm trong vùng sạt lở, từ ngày 30/6 đến nay, tại đây đã xảy ra 4 vụ sạt lở đất với tổng chiều dài hơn 70m, ăn sâu vào đất liền từ 15-22m. Nguyên nhân sạt lở chủ yếu do đang mùa mưa kết hợp với nước dâng cao khiến nền đất mềm, dễ sụt lún. Chính quyền địa phương đã cắm biển báo, khoanh vùng khu vực nguy hiểm, theo dõi sát diễn biến sạt lở.
Nhiều người dân sống trong vùng nguy hiểm mong muốn sớm có nơi ở mới để không còn thấp thỏm lo âu vì sạt lở nhưng đang gặp khó khăn về kinh tế. Một số hộ dân, nhất là hộ nghèo rất cần được hỗ trợ để di dời đến nơi ở mới an toàn hơn. Anh Đinh Tấn Phước chia sẻ, biết là nguy hiểm nhưng gia đình anh phải tiếp tục ở tại khu vực sạt lở do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Anh rất mong Nhà nước xem xét, hỗ trợ, bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống.
Ông Trần Văn Lum ở ấp Tân Thới, xã Tân Quới cho biết, chỉ tính trong 10 năm qua, ông bị mất phần đất khoảng 1.200m2 vì sạt lở xuống sông Tiền. Kinh tế không dư dả nên ông rất mong chính quyền địa phương xem xét, hỗ trợ chỗ ở khác an toàn hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu xảy ra tại 19 xã, phường, thị trấn của 4 huyện Thanh Bình, Hồng Ngự, Lấp Vò, Cao Lãnh và 2 thành phố Cao Lãnh, Hồng Ngự với chiều dài hơn 26,7 km, diện tích sạt lở trên 1,98 ha. Ngoài ra, sạt lở còn xảy ra trên các sông, kênh, rạch nội đồng.
Đồng Tháp có tổng chiều dài vành đai nguy cơ sạt lở hơn 132 km; gần 6.000 hộ dân đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở. Hiện nay, lũ kết hợp triều cường có chiều hướng gia tăng và vào mùa mưa, nền đất mềm nên nguy cơ sạt lở cao, UBND tỉnh đã đề nghị các sở, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó sạt lở bờ sông.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị, các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát khu vực sạt lở bờ sông, theo dõi thường xuyên diễn biến khu vực đã xảy ra sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Ngành chức năng cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở tại khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở tại khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng… thông báo tình trạng sạt lở để nhân dân nắm, chủ động phòng tránh.
Nhựt An