Ngày 27/12, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Sơ kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025. Đến nay tỉnh Đồng Tháp đã xác lập thành công 1 chỉ dẫn địa lý, 38 nhãn hiệu chứng nhận, 4 nhãn hiệu tập thể phục vụ sản xuất kinh doanh, quảng bá hình ảnh địa phương cho sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến cuối năm 2024 tỉnh Đồng Tháp có 581 sản phẩm được công nhận OCOP; trong đó, có 464 sản phẩm 3 sao; 116 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao của 246 chủ thể, tăng 128 sản phẩm so với năm 2023. Có 67% chủ thể OCOP tham gia kinh doanh qua các kênh bán hàng hiện đại và 100% các sản phẩm OCOP được kinh doanh trên sàn thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Shopee, TikTok Shop, Postmart…
Đồng Tháp đã hình thành được Khu trưng bày, giới thiệu và phát triển sản phẩm OCOP trong Không gian làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp. Tại 5 điểm du lịch lớn của tỉnh (Vườn Quốc gia Tràm Chim; Khu di tích Xẻo Quít; Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng; Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp) có quầy trưng bày, bán sản phẩm OCOP của tỉnh, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh đến du khách trong và ngoài nước.
Theo bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp cho biết, giải pháp phát triển thị trường cho OCOP Đồng Tháp là phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy tài nguyên bản địa; đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường tính cạnh tranh trên thị trường, đây là yếu tố tiên quyết quyết định sự thành công hay thất bại của sản phẩm trên thị trường. Một sản phẩm chất lượng cao sẽ dễ dàng giành được niềm tin và sự yêu mến của người tiêu dùng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và phát triển kênh phân phối…
Sản phẩm OCOP từ tài nguyên bản địa như cây sen có trên 50 sản phẩm OCOP. Theo PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, tỉnh Đồng Tháp là địa phương có điều kiện thuận lợi cho cây sen phát triển. Thời gian qua, nhiều mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, Đồng Tháp còn khéo léo gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch từ sen và phát triển sản phẩm OCOP.
Sản phẩm OCOP đạt 5 sao đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp là sản phẩm hạt sen sấy của Công Ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành.Theo anh Huỳnh Văn Hiệp, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp, hiện nay hạt sen sấy đạt OCOP 5 sao của anh Hiệp được tiêu thụ khá lớn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, Thủ đô Hà Nội và có mặt các quốc gia Đông Nam Á, EU, Hàn Quốc…
Chị Nguyễn Thúy Kiều, Công ty TNHH MTV Ba Tre tại huyện Tam Nông cho biết doanh nghiệp có 4 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sao như: bột sữa hạt sen, trà lá sen, bột ngũ cốc hạt sen và sen trà đây là sản phẩm của địa phương. Từ trước doanh nghiệp chỉ bán mỗi năm bán được 1.000 sản phẩm và nhờ đạt chuẩn 3-4 sao OCOP, sản phẩm sen bán được hơn 10.000 sản phẩm/năm.
Theo bà Nậm Trà, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập Đoàn Phát triển thịnh vượng Việt Nam cho biết, lợi thế về nguồn nguyên liệu và sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp và tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nguồn nguyên liệu phong phú như sen, gạo, trái cây (xoài, quýt hồng), thủy sản (cá tra, tôm), và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (tre, lục bình). Nhiều sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp đã được xây dựng từ nền tảng các sản phẩm nổi tiếng như nem Lai Vung, hạt sen, gạo, bánh phồng tôm Sa Giang...
Việc tham gia của các hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò chủ đạo trong triển khai chương trình OCOP, giúp sản phẩm đạt chất lượng và tiếp cận thị trường. Chương trình OCOP đã thu hút sự tham gia tích cực của người dân địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn. Một số sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn cao đã được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, đặc biệt là sản phẩm từ sen và gạo.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp ông Lê Quốc Phong nhấn mạnh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung xem OCOP là chương trình trọng tâm của tỉnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Không chỉ nâng cao số lượng sản phẩm mà phải hướng đến tăng chất lượng; phấn đấu có nhiều sản phẩm đạt OCOP 5 sao; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; gắn sản phẩm OCOP với các ngành hàng chủ lực của tỉnh; hướng đến chuyển hóa giá trị xanh, tuần hoàn và tích hợp đa giá trị.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần thúc đẩy sự tham gia của hợp tác xã, doanh nghiệp vào chuỗi sản phẩm OCOP; chọn sản phẩm đặc trưng gắn với làng nghề của mỗi địa phương; tiếp tục thúc đẩy thương mại điện tử trong phát triển sản phẩm OCOP. Chương trình OCOP – “Mỗi xã một sản phẩm” là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm khuyến khích sự sáng tạo của người dân, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế địa phương và thúc đẩy phát triển bền vững.
Tại Hội nghị Sơ kết Chuyên đề Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Đồng Tháp trao chứng nhận cho 35 sản phẩm đạt OCOP 4 sao của 20 chủ thể trong năm 2024.
Nguyễn Văn Trí