Đồng Tháp nuôi vịt rọ thu lãi cao

Đồng Tháp nuôi vịt rọ thu lãi cao
Ông Phạm Cao Sơn ở ấp 4, xã Mỹ Đông cho biết, thực hiện mô hình nuôi vịt rọ, ông đã tận dụng 5.000 m2 đất và đầu tư 500 triệu đồng để đào ao, với 1.000 m2 trữ nước cho vịt xuống tắm hoặc uống. Ở trên bờ, ông san lấp cát làm nền phần diện tích còn lại và xây máy che cho vịt đẻ trứng và nơi ăn, nơi nghỉ. Mô hình nuôi vịt đẻ là loại giống vịt cò, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp và không thả ra đồng. 
 
Mô hình nuôi vịt rọ của ông Phạm Cao Sơn ở ấp 4, xã Mỹ Đông (Tháp Mười, Đồng Tháp).
Mô hình nuôi vịt rọ của ông Phạm Cao Sơn ở ấp 4, xã Mỹ Đông (Tháp Mười, Đồng Tháp). 

Ông Sơn cho biết thêm, nuôi vịt rọ từ khi còn nhỏ, sau 6 tháng nuôi là có thể thu hoạch được trứng. Với 3.000 con vịt nuôi, bình quân cho thu hoạch hơn 2.500 trứng/ngày. Đặc biệt, nuôi vịt rọ cho trứng to hơn và sạch hơn loại vịt thả đồng. 

Hiện nay trứng vịt nuôi theo mô hình vịt rọ bán được 2.600 đồng/trứng, cao hơn 400 đồng/trứng so với vịt nuôi thường. Thức ăn cho vịt nuôi theo mô hình rọ lại không bị hao hụt, do thức ăn nằm trong máng. Không chỉ nuôi vịt rọ, gia đình ông Sơn còn tận dụng dưới ao để thả cá nuôi. 

Mô hình nuôi vịt rọ ở Đồng Tháp mang lại hiệu quả cao
Mô hình nuôi vịt rọ ở Đồng Tháp mang lại hiệu quả cao

Một điển hình khác về nuôi vịt rọ đã trở thành tỷ phú là ông Lê Ngọc Mới ở ấp 3, xã Mỹ Hòa. Từ nghề nuôi vịt chạy đồng cực khổ trăm bề, ông Mới là người đầu tiên nghĩ ra cách nuôi vịt rọ ở huyện và đã nhanh chóng làm giàu từ mô hình này. Từ nghề nuôi vịt rọ, ông Mới đã tích lũy được tài sản hơn 10 tỷ đồng. Có nhiều thời điểm, đàn vịt của ông đạt tới hơn 20.000 con. 

Ông Lê Ngọc Mới cho rằng, để mặt hàng gia cầm là vịt đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong thời buổi hội nhập như hiện nay, ngoài việc tạo ra sản phẩm sạch, an toàn thì số lượng cũng phải đủ lớn mới điều tiết được thị trường. 

Tổ hợp tác nuôi vịt rọ ở Tháp Mười đã được nhân rộng với 13 thành viên và hơn 70.000 con vịt
Tổ hợp tác nuôi vịt rọ ở Tháp Mười đã được nhân rộng với 13 thành viên và hơn 70.000 con vịt

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp nhận định, nông sản khi được sản xuất nhiều ở mức độ nhất định thì mới mang lại hiệu quả cao. Mô hình chăn nuôi vịt của ông Lê Ngọc Mới và nhiều người dân khác cần được đánh giá cao và tỉnh sẽ có định hướng hỗ trợ, phát triển thành hợp tác xã theo hướng bền vững. Tính đến thời điểm hiện tại, Tổ hợp tác nuôi vịt rọ ở Tháp Mười đã được nhân rộng với 13 thành viên và hơn 70.000 con vịt. Theo quy định của tổ hợp tác, đàn vịt được nuôi nhốt rọ với các yêu cầu kỹ thuật chặt chẽ và được tiêm phòng tất cả các loại vacxin để cho ra sản phẩm trứng sạch. Các thành viên trong tổ hợp tác sẽ liên kết và được doanh nghiệp cung cấp thức ăn với giá đại lý cấp một. Sản phẩm trứng của đàn vịt nuôi nhốt rọ cũng sẽ được bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 200 đến 300 đồng/trứng./. 

TTXVN

Có thể bạn quan tâm