Tăng cường nạo vét, khơi thông các kênh rạch đảm bảo nguồn nước tưới. Ảnh: baodongthap.com.vn |
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2019 nắng nóng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong những ngày qua, nền nhiệt độ tại Nam Bộ, trong đó có tỉnh Đồng Tháp tăng cao. Trước tình hình này, tỉnh Đồng Tháp đã chủ động triển khai đồng loạt các biện pháp để chủ động phòng chống hạn, bảo vệ sản xuất năm 2019.
Ông Khương Lê Bình – Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp thông tin, nhiệt độ tại địa phương tăng khá cao. Nhiệt độ một số buổi trưa đo tại một số điểm trên địa bàn tỉnh luôn cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 độ C. Dự báo trong tháng 3, nền nhiệt độ sẽ tăng từ 1 – 2 độ C, ở mức 33 - 34 độ C và có thể tăng ở mức 35 độ C. Thời tiết tiếp tục nắng gay gắt vào tháng 4 và tháng 5, nắng nóng nhất có thể đạt 36 – 37 độ C.
Ông Lê Văn Hùng – Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, năm nay mùa khô đến sớm hơn hằng năm, mặc dù mới đầu tháng 3 nhưng mực nước trên địa bàn tỉnh đang xuống thấp dần và dự báo thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1 – 0,3 mét. Đây là những điều kiện làm cho tình hình khô hạn tại Đồng Tháp trở nên khó khăn hơn, nhất là thời điểm cuối tháng 5/2019. Khô hạn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở thời điểm cuối vụ Đông Xuân và đầu vụ Hè Thu. Các địa phương ảnh hưởng nhiều nhất là 5 huyện, thị phía Bắc của tỉnh Đồng Tháp như thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông và Thanh Bình. Nguyên nhân do thế đất ở những nơi này rất cao, kết hợp nhiệt độ tăng nhưng nước xuống thấp, rất dễ bị ảnh hưởng do khô hạn.
Ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết để đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, ngay từ tháng 12/2018 tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng chống hạn. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp tập trung ứng phó với 2 giải pháp là biện pháp công trình và biện pháp phi công trình. Đối với biện pháp phi công trình, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, mực nước trong mùa khô, rà soát, kiểm tra các công trình kênh mương, cống đập để chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn. Đồng thời, khuyến cáo người dân xuống giống vụ Hè Thu, Thu Đông theo đúng lịch thời vụ. Cùng với đó tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp rà soát các vùng sản xuất thường xuyên thiếu nước tưới để bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và đẩy mạnh việc áp dụng các mô hình, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Không chỉ vậy, Đồng Tháp còn huy động các nguồn lực để tiến hành nạo vét, khơi thông các kênh rạch đã bị cạn kiệt để kịp thời cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Song song đó, chỉ đạo cho các địa phương kiểm tra, sửa chữa, xây dựng mới các trạm bơm, tu sửa bờ vùng, bờ thửa nhằm hạn chế thất thoát nước. Bằng cả nguồn vốn Trung ương và địa phương, Đồng Tháp đã triển khai kế hoạch đầu tư nạo vét khoảng 300 danh mục công trình, 300km phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Chương Đài