Đồng Tháp bảo tồn tre gắn với phát triển du lịch sinh thái

Đồng Tháp bảo tồn tre gắn với phát triển du lịch sinh thái

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Hội thảo Tre Thế giới lần thứ IV, cuối giờ chiều ngày 20/9, tại thành phố Cao Lãnh, Tổ chức Tre thế giới, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức hội thảo "Chiến lược phát triển và trồng tre ở tỉnh Đồng Tháp".

Đồng Tháp bảo tồn tre gắn với phát triển du lịch sinh thái ảnh 1Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu trong hội thảo. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Phát biểu trong hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ năm 2014, Đồng Tháp luôn tìm kiếm những loại cây trồng mới; trong đó, có tre. Cây tre với vai trò vô cùng đặc biệt, có thể thấy rõ trong việc góp phần phát triển đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, du lịch sinh thái và cảnh quan kiến trúc, lưu giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc; đồng thời, còn tạo sinh kế, việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng sâu.

Đồng Tháp bảo tồn tre gắn với phát triển du lịch sinh thái ảnh 2Ông Michel Abadie, Giám đốc Tổ chức Tre Thế giới phát biểu trong hội thảo. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện dự án "Khu bảo tồn tre gắn với Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng" tại Rừng tràm Gáo Giồng thuộc xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh. Gần 8 năm qua, Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng đã phối hợp sưu tầm được hơn 1.000 bụi tre, với 84 giống tre có ở Việt Nam và nước ngoài, gồm: tre gai, tre tầm vông, tre sọc vàng, tre diễn đá, tre vầu, tre lò ô vàng, tre kiểng…

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, những cây tre đang phát triển tốt trên vùng đất ngập phèn của Rừng tràm Gáo Giồng. Từ đây, giúp tỉnh Đồng Tháp có định hướng trong chiến lược phát triển và trồng tre - một loại cây trồng có giá trị kinh tế lại phát triển được nơi đất hoang hoá, nhiễm phèn.

Đồng Tháp bảo tồn tre gắn với phát triển du lịch sinh thái ảnh 3Ông Yves Crouzet, chuyên gia người Pháp thông tin về vai trò của tre trong du lịch sinh thái. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Trong hội thảo, các đại biểu được nghe ông Yves Crouzet, chuyên gia người Pháp chia sẻ về vai trò của tre trong du lịch sinh thái. Ông Yves Crouzet cho biết, ông có tình yêu đặc biệt với tre, đã sưu tầm và nhân giống nhiều loại tre. Việc trồng tre sẽ tạo cảnh quan và góp phần làm giảm biến đổi khí hậu. Suốt nhiều năm qua, ông đã trồng tre, kết hợp với làm du lịch sinh thái và phát huy hiệu quả. Mỗi tháng, có hàng chục nghìn lượt du khách đến với điểm du lịch sinh thái của ông. Ông Yves Crouzet cho rằng, tỉnh Đồng Tháp cũng như nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc trồng tre, nên tận dụng thế mạnh này để trồng tre, phát triển du lịch sinh thái.

Được biết, Hội thảo Tre Thế giới là sự kiện do Tổ chức Tre Thế giới (World Bamboo Organization-WBO) khởi xướng, tổ chức lần đầu ở Mexico, lần thứ II ở Peru và lần thứ III ở Ấn Độ. Hội thảo Tre Thế giới lần thứ IV được tổ chức ở Việt Nam từ ngày 16 - 21/9/2022; trong đó, từ ngày 16 - 19/9, các hoạt động của hội thảo biễn ra tại tỉnh Bình Dương. Từ ngày 20 - 21/9, chương trình hội thảo được tiếp tục tại tỉnh Đồng Tháp với nhiều hoạt động như: hội thảo "Chiến lược phát triển và trồng tre ở tỉnh Đồng Tháp"; tổ chức tham quan con đường tre Gáo Giồng; trồng tre lưu niệm tại công trình Bản đồ Việt Nam trong khuôn viên Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng…

Đồng Tháp bảo tồn tre gắn với phát triển du lịch sinh thái ảnh 4Các đại biểu dự hội thảo. Nhựt An - TTXVN

UBND tỉnh Đồng Tháp tham gia tổ chức các hoạt động trên nhằm giới thiệu đến các chuyên gia và du khách những mô hình bảo tồn, phát triển các giống tre trên thế giới tại tỉnh Đồng Tháp; giới thiệu điểm du lịch sinh thái từ tre, sản phẩm đặc trưng, văn hoá ẩm thực và các điểm du lịch sinh thái khác mang đặc trưng hình ảnh và con người Đồng Tháp.

Nhựt An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm