Ngày 19/9, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, hiện nay tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn Đồng Nai vẫn tồn tại những bất cập; có một số vùng trồng không đảm bảo, phải xây dựng lại.
Vừa qua, sản phẩm tại một số vùng trồng ở Đồng Nai khi xuất khẩu sang Trung Quốc phát hiện rệp vẫn tồn tại trên trái cây (rệp là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc), lô hàng bị trả lại. “Vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu là mô hình mới, tới đây, ngành chức năng Đồng Nai sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời những sai sót, bất cập tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân, doanh nghiệp nắm rõ quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu”, ông Trần Lâm Sinh khẳng định.
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có hơn 140 vùng trồng và trên 80 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand; trong đó, riêng thị trường Trung Quốc có hơn 100 vùng trồng, gồm: sầu riêng, xoài, chôm chôm, chuối, mít và thanh long.
Các vùng trồng nêu trên là vùng chuyên canh, quy mô lớn, phân bổ ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó lớn nhất là vùng trồng sầu riêng ở huyện Cẩm Mỹ, thành phố Long Khánh; chuối ở huyện Trảng Bom, Thống Nhất; xoài tại huyện Định Quán, Xuân Lộc. Vùng trồng giúp đảm bảo nguồn cung phục vụ xuất khẩu, khẳng định vị thế của trái cây Đồng Nai trên thị trường thế giới, đặc biệt là sầu riêng, chôm chôm và chuối.
Theo ông Trần Lâm Sinh, tỉnh Đồng Nai hiện có gần 77.000 ha cây ăn quả; trong đó, có nhiều loại có diện tích lớn, thuộc Top đầu cả nước như chuối, xoài, bưởi, sầu riêng. Dù có nhiều lợi thế về cây ăn quả, song việc liên kết trong sản xuất ở Đồng Nai vẫn thiếu bền vững. Nhiều mặt hàng chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, quy cách mẫu mã để xuất khẩu. Trong tỉnh có ít doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết lĩnh vực trồng trọt.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, tới đây Đồng Nai sẽ bố trí quỹ đất, không gian phù hợp để đầu tư hệ thống bảo quản, sơ chế, đóng gói nông sản gắn với các vùng sản xuất tập trung. Xây dựng 2 cụm chế biến nông sản tại huyện Cẩm Mỹ và huyện Định Quán.
Cùng đó, gắn việc thành lập mới hợp tác xã nông nghiệp với xây dựng chuỗi liên kết; xây dựng các vùng sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, quy mô để kết nối vào các nhà máy chế biến, thị trường xuất khẩu.
Công Phong