Động lực thoát nghèo của người dân miền biên giới Hương Khê

Động lực thoát nghèo của người dân miền biên giới Hương Khê

Những năm qua, từ nguồn tín dụng chính sách, tại tỉnh Hà Tĩnh, nhiều vùng khó khăn đã trở nên “thay da đổi thịt” và là động lực để các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Trao “cần câu”

Anh Võ Trọng Hải ở thôn 10, xã Hà Linh, huyện Hương Khê cho biết, sau thời gian làm thợ xây khắp nơi, anh đã về xây dựng trang trại tại quê hương. Thông qua Hội cựu chiến binh, anh đã tiếp cận vay vốn tín dụng hộ nghèo 100 triệu đồng và 20 triệu đồng theo chương trình nước sạch. Được vay nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp với thời gian trả nợ lên đến 5 năm giúp gia đình anh yên tâm đầu tư làm ăn.

Động lực thoát nghèo của người dân miền biên giới Hương Khê ảnh 1Anh Võ Trọng Hải (thôn 10, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đầu tư nuôi bò sinh sản từ vốn vay hộ nghèo. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Từ nguồn vốn có được, anh Hải đầu tư chuồng trại, mở rộng diện tích trồng cỏ nuôi 10 con bò sinh sản và lợn thương phẩm, trồng thêm 500 gốc bưởi Phúc Trạch và dự kiến sang năm sau sẽ cho thu hoạch. Với tiến độ như hiện nay, chắc chắn vợ chồng anh sẽ thoát nghèo và trả được nợ trước hạn.

Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Hà Linh Tống Trần Thể cho biết, sau khi các thành viên của Hội cựu chiến binh được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Hà Tĩnh đều đầu tư hiệu quả, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Điển hình như ông Nguyễn Minh Hoà với mô hình trồng gần 100 ha keo; chị Vương Thị Quý ở tổ vay vốn 12 xây dựng vườn mẫu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ở huyện miền núi Hương Khê, nhiều cặp vợ chồng trẻ cũng đang nỗ lực khởi nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. Gia đình anh Phạm Xuân Nghị và chị Phan Thị Nga vốn là một hộ nghèo của thôn 1, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê là 1 điền hình.

Chị Phạm Thị Nga cho biết, năm 2016, sau khi được bình xét và vay vốn từ Chương trình hộ nghèo và của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hương Khê với số tiền 50 triệu đồng. Gia đình chị đã mua 2 con bò sinh sản và cải tạo vườn, trồng thêm 100 gốc cam bưởi.

Động lực thoát nghèo của người dân miền biên giới Hương Khê ảnh 2Vườn cây ăn quả của gia đình chị Phan Thị Nga (thôn 1, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã vươn lên thoát nghèo từ vốn vay của Ngân hàng chính sách. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN  

Nhờ cần cù, chịu khó, trong vòng 5 năm gia đình chị Nga đã trả được hết số nợ 50 triệu đồng. Năm 2021, vợ chồng anh Nghị tiếp tục làm đơn vay vốn tiếp 100 triệu đồng của chương trình vay vốn hộ cận nghèo để sửa sang chuồng trại, mua thêm trâu bò. Giờ đây, trên mảnh đất của gia đình đã có thêm ngôi nhà ngói kiên cố đang sắp sửa hoàn thiện. Chị Nga vui mừng cho biết: “Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội thực sự là động lực để gia đình tôi thoát nghèo và nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn”.

Phát huy hiệu quả

Chị Phan Thị Hòa, Phụ trách tổ vay vốn số 3, thôn Khe Cò, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết, thôn Khe Cò vốn là một thôn khó khăn của xã Sơn Lễ với tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Hiện có 31 thành viên vay vốn theo các chương trình hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và làm nhà ở. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, những năm gần đây người dân đầu tư hiệu quả và phát triển kinh tế, đời sống người dân khấm khá hơn.

Chị Đào Thị Thái Bình, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hương Sơn cho hay, đến nay, đơn vị đã thực hiện ủy thác cho 95 tổ chức hội ủy thác cấp xã với 336 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 10.856 hộ vay còn dư nợ. Các hội, đoàn thể nhận ủy thác tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc nhận ủy thác, chất lượng tín dụng và chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của người vay. Đến cuối tháng 5/2021, dư nợ ủy thác cho vay đạt hơn 514 tỷ đồng; trong đó, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,04% tổng dư nợ ủy thác.

Hoạt động tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Hà Tĩnh đã mang đến “cần câu” cho các hộ nghèo, hộ chính sách để cải thiện sinh kế. Hiện nay, tổ chức tín dụng này đang quản lý 14 chương trình tín dụng. Tổng doanh số cho vay đạt 554,8 tỷ đồng với 13.867 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ đạt 418,5 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, tại Hà Tĩnh hiện có 11.668 hộ nghèo, 16.894 hộ cận nghèo, 32.085 hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, gần 5.100 hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn cho con em học tập, gần 6.200 lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ưu đãi, 44 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động, 47.825 hộ gia đình vay vốn để sửa chữa và xây mới công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn…

Ông Nguyễn Tiến Thức, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Hà Tĩnh cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của đơn vị vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: tỷ lệ nguồn ngân sách địa phương trong tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hà Tĩnh còn thấp so với toàn quốc.

Hà Tĩnh đang thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo thấp nên đối tượng cho vay dần hạn chế nhất là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.

Hoàng Ngà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm