Từng là một trong những hộ nghèo của xã Sa Bình, huyện Sa Thầy (Kon Tum), cuộc sống của gia đình bà Y Nốt (dân tộc Xê Đăng) gặp nhiều khó khăn. Dù đất đai nhiều nhưng vì không có vốn sản xuất nên gia đình bà “quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn chẳng thoát khỏi cái đói, cái nghèo.
|
Bên cạnh đó, những thanh niên mới lập nghiệp đã qua đào tạo nghề nhưng thiếu nguồn vốn cũng được sự hỗ trợ từ ngân hàng. Anh A Klơn (làng Bình Loong, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) là một ví dụ điển hình. Được học nghề cạo mủ cao su bài bản nhưng vì không có vốn nên diện tích đất của gia đình anh quanh năm chỉ trồng sắn, ngô, cái nghề trong tay cũng vì thế mà mai một. Biết được cái khó khăn của nhiều thanh niên như anh A Klơn, cán bộ của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sa Thầy đã trực tiếp xuống nhà, vận động gia đình vay vốn. Được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, đúng thời điểm cùng với nghề có sẵn, gia đình anh đầu tư trồng 2 ha cao su. Nhờ có tay nghề nên anh hướng dẫn được các thành viên trong gia đình cùng học cạo mủ. Theo đó, gia đình giảm được chi phí thuê nhân công. Ngoài ra, anh còn dạy nghề cạo mủ lại cho các thanh niên trong làng cùng đi cạo mủ thuê để kiếm thêm thu nhập.
Nhờ nguồn vốn vay mà hộ bà Y Nốt đã thoát nghèo từ chăn nuôi bò sinh sản.
|
Bà Y Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết, thời gian qua, nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp địa phương làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới, quan trọng nhất là vấn đề an sinh xã hội. Thông qua đó xuất hiện nhiều gương làm ăn kinh tế giỏi, đặc biệt là đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Địa phương mong muốn thời gian tới có nhiều nguồn vốn với lãi suất thấp, số lượng vay nhiều hơn để người dân có điều kiện phát triển kinh tế xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, việc sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Năm 2016, ngân hàng tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, sự chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội của Trung ương phân bổ đủ nguồn vốn cho vay, đảm bảo nhu cầu người dân trong những năm tiếp theo.
Có thể nói, nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đến kịp thời với người dân, thay đổi rõ nét đời sống kinh tế của các hộ nghèo. Nhưng, bên cạnh đó vẫn còn những hộ sử dụng nguồn vốn vay chưa hiệu quả hoặc chưa tiếp cận được với nguồn vốn. Nhiều hộ được vay nhưng thiếu phương thức, mô hình làm kinh tế nên nguồn vốn vay không phát huy được hiệu quả. Để tháo gỡ khó khăn, bên cạnh vấn đề đưa nguồn vốn đến với người nghèo cần có phương thức, mô hình làm kinh tế hiệu quả đến từng hộ, trao cho họ “cần câu cơm” giúp sinh lời nguồn vốn.
Tỉnh Kon Tum hiện vẫn còn 11,5% số hộ nghèo, trong đó có 75 xã thuộc diện khó khăn theo Quyết định số 1049 của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ người dân vùng khó khăn vay vốn phát triển sản xuất là chủ trương đúng đắn và kịp thời của Chính phủ, góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững, ổn định kinh tế địa phương. Chính sự đồng hành nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum đã và đang mang lại cơ hội cho hàng nghìn hộ trên địa bàn tỉnh Kon Tum thoát khỏi cái nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Báo Tin Tức