Cô đỡ thôn bản tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đồng bào dân tộc huyện Mang Yang (Gia Lai). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Khó khăn đến mấy cũng không từ bỏ công việc
Chị Lương Thị Kim Huyền, thôn 8, xã Cư Knia, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông đã có thâm niên 13 năm gắn bó với nghề cô đỡ. Kể về khoảng thời gian bắt đầu công việc, chị Kim Huyền nhớ lại: Đặc thù địa phương nơi chị sinh sống có nhiều dân tộc cùng chung sống, đồng bào nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, thế nên việc tuyên truyền ban đầu gặp rất nhiều khó khăn phần vì ngôn ngữ, phần vì người dân chưa thể hiểu được công việc của mình. Bên cạnh đó, nhiều năm trước, đồng bào dân tộc vẫn còn duy trì nhiều hủ tục lạc hậu, nhất là trong sinh nở người dân tự đẻ tại nhà. Người phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh vẫn đi làm nương rẫy, có những trường hợp đẻ “rơi”, tự sinh chứ không có người đỡ… Việc thuyết phục người dân bỏ đi các hủ tục là việc rất khó, người đi tuyên truyền bị mắng là chuyện bình thường. Khó khăn là thế nhưng chị Kim Huyền vẫn kiên trì đến cùng với công việc của mình, không vì bị mắng mà bỏ cuộc. Lâu dần, nhờ sự kiên trì và áp dụng nhiều hình thức, mô hình thực tế, cô đỡ Lương Thị Kim Huyền đã giúp người dân hiểu ra, thay đổi dần hành vi, bỏ dần các hủ tục lạc hậu. Dần dà người sau nhìn thấy người trước rồi bắt đầu làm theo.
Nhớ lại một kỉ niệm đặc biệt khi làm nghề, cô đỡ Lương Thị Kim Huyền kể: Năm 2008, khi chị mới học xong lớp nâng cao giai đoạn 2 trở về địa phương. Ở trạm y tế xã có một ca đẻ, bà mẹ mang thai 3,8 kg. Em bé đã chui được đầu ra nhưng không thể xoay người tự nhiên để ra ngoài. Cô hộ sinh xã lúc bấy giờ khá lo sợ vì chưa từng gặp trường hợp nào tương tự nên quay sang bảo chị xử lý trường hợp này. Không còn lựa chọn nào khác, chị Huyền phải nhớ lại những gì đã được học và thực hành. Kết quả, em bé nặng 3,8kg, “con rạ” được sinh ra một cách nhẹ nhàng và người mẹ không bị rạch tầng sinh môn một chút nào. Sau trường hợp đó, nhiều thai phụ đến trạm sinh cứ đòi phải có chị Huyền đỡ mới sinh ở đây.
Đến nay, sau 13 năm gắn bó với nghề, cô đỡ Kim Huyền đã đỡ cho khoảng hơn 150 ca. Chia sẻ về nghề, chị Kim Huyền cho biết, giai đoạn 2005-2010 là khoảng thời gian chị đỡ được nhiều ca nhất. Sau đó, số lượng ca sinh tại địa phương giảm dần và hai năm gần đây không có ca nào nữa. Tuy nhiên, chị không thấy buồn mà ngược lại thấy rất vui vì công sức tuyên truyền, vận động của mình đã đạt hiệu quả. Người dân đã nhận thức được việc đến các cơ sở y tế tuyến trên để sinh đẻ cho an toàn. Hiện nay, công việc chính của chị Huyền là khám thai, quản lý thai, quản lý trẻ dưới 5 tuổi, tiếp tục tư vấn để người dân hiểu và nhận ra vấn đề cần đến cơ sở y tế để sinh đẻ cho an toàn.
Chị Lương Thị Kim Huyền đến với công việc cô đỡ thôn bản ban đầu chỉ vì muốn tham gia các công tác xã hội cho vui. Sau khi được chọn đi học tại Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh, chị lại đam mê, yêu nghề lúc nào không hay. Chị Huyền khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ công việc này, chị sẽ cố gắng làm đến khi người dân không còn cần đến mình nữa mới thôi...
Mong muốn được quan tâm, hỗ trợ
Có gần 8 năm gắn bó với công tác cô đỡ thôn bản, chị Y Te, xã Đăk Ma, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum chia sẻ, lý do đưa chị đến với công việc rất đơn giản. Trước kia khi thôn, bản chưa có cô đỡ, đã có những trường hợp sản phụ mang thai bị băng huyết và tử vong mẹ, con. Thấy chị em khi sinh đẻ khổ quá, thương đồng bào và mong muốn giúp đỡ dân làng, chị quyết tâm đi học làm cô đỡ thôn, bản… Dù không có tiền phụ cấp, không có cả phương tiện đi lại, dù đêm hay ngày, mưa hay nắng, không quản ngại xa xôi, chị vẫn nhiều lần đi bộ đến đỡ đẻ cho người dân khi họ cần.
Cô Siu H Jip, buôn Bôn Chơ Ma, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai đã có 34 năm gắn bó với nghề cho hay, mỗi cô đỡ thôn bản đều được trang bị một túi vật dụng dùng khi đỡ đẻ nhưng vẫn có một số đồ phải tự bỏ tiền mua như kẹp rốn, băng rốn, cồn… Có những khi vì bận việc nương rẫy, việc nhà, người dân gọi đỡ đẻ mà mình chưa kịp mua thì cuống cuồng, vội vàng lắm hoặc có những lúc mình đang “thiếu thốn” về kinh tế thì cũng khó khăn. Từng vượt quãng đường 82 cây số cả đi lẫn về để đến đỡ đẻ cho một người dân, cô Siu H Jip chia sẻ: Việc di chuyển, đi lại của nhiều cô đỡ gặp nhiều khó khăn do đường xá khó đi, phương tiện cọc cạch, chưa kể có những khi chưa kịp đổ xăng đủ để di chuyển quãng đường xa… Có nhiều khi xe hỏng, các cô đỡ cũng phải sửa, người dân cứ gọi giục lại càng sốt ruột. Ngoài ra, người dân tộc vẫn có những hủ tủ lạc hậu gây khó khăn trong việc sinh đẻ cho người phụ nữ.
Chị Y Te và cô Siu H Jip là hai trong số những cô đỡ thôn bản không được nhận phụ cấp công việc, khi họ đi đỡ đẻ, gia đình nào có điều kiện thì biếu ít đồ, ít tiền còn không thì chỉ là làm giúp. Thế nhưng khi được hỏi: Có khi nào muốn từ bỏ công việc không? Họ đều cười và khẳng định: Chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc này. Tuy nhiên, họ cũng không khỏi có chút chạnh lòng và đều mong muốn có chút tiền phụ cấp; được hỗ trợ phương tiện đi lại để phục vụ công việc. Được hỗ trợ xe cộ đi lại, công việc sẽ đơn giản hơn. Người dân có gọi đỡ đẻ đêm hôm, mưa gió, mình dễ dàng đi lại và đến nhanh hơn.
Theo quy định hiện hành, kinh phí để duy trì đội ngũ cô đỡ thôn, bản chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách địa phương. Trong khi đó, hầu hết các địa phương có cô đỡ thôn, bản hoạt động đều là những tỉnh miền núi, còn nghèo, chưa đủ khả năng tự cân đối ngân sách. Vì vậy, nhiều tỉnh chưa thực hiện được chế độ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản, dẫn đến tình trạng các cô đỡ thôn bản nghỉ việc hoặc hoạt động cầm chừng. Các khóa đào tạo mới để phát triển đội ngũ cô đỡ thôn, bản đòi hỏi kinh phí tốn kém do thời gian kéo dài ít nhất 6 tháng. Mỗi khóa học phải hạn chế học viên để đảm bảo chất lượng đào tạo; trong khi đó, nguồn kinh phí Trung ương và nguồn viện trợ quốc tế đã và đang bị cắt giảm trong thời gian gần đây.
Trong thời gian tới, chính sách duy trì và phát triển đội ngũ cô đỡ thôn, bản cần được rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi nhằm tạo động lực để đội ngũ cô đỡ thôn, bản an tâm học tập, nâng cao kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Họ cần được khẳng định là một loại hình nhân viên y tế phù hợp với vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận với hệ thống y tế tuyến trên do các khó khăn về địa lý và phong tục tập quán.
Minh Huệ