Ngày 23/1, đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Thuận tổ chức đoàn đến thăm và chúc Tết Đầu lúa đồng bào Raglay, K’ho đang sinh sống tại các xã miền núi, vùng cao thuộc huyện Bắc Bình.
Tại nơi đến thăm, Đoàn nghe lãnh đạo các xã vùng cao báo cáo về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong năm qua.
Năm 2023, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự theo sát chỉ đạo của chính quyền các cấp, tình hình sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Nhờ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, việc sản xuất của đồng bào ổn định hơn, năng suất các loại cây trồng tăng. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của bà con; tỷ lệ hộ nghèo giảm so với trước.
Chia vui với bà con, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận bày tỏ vui mừng và đánh giá cao những cố gắng của cán bộ và nhân dân các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bắc Bình trong lao động sản xuất, đoàn kết thực hiện nhiều chỉ tiêu đạt, vượt so với kế hoạch đề ra. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận ân cần thăm hỏi, tặng quà các địa phương, già làng, người có uy tín trong cộng đồng; chúc đồng bào đón Tết vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm.
Lãnh đạo tỉnh cũng bày tỏ mong muốn, trong năm mới, cấp ủy, chính quyền và bà con tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần vượt khó để giảm hộ nghèo, nâng dần hộ khá, giàu; xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc nhằm tạo sân chơi cho thanh, thiếu niên và nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân. Cùng với đó, từng bước hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới bền vững.
Theo truyền thống, ngày 14-15 tháng Chạp hằng năm, đồng bào các dân tộc thiểu số 4 xã vùng cao gồm Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền và Phan Tiến thuộc huyện Bắc Bình tổ chức đón Tết Đầu lúa.
Tết Đầu lúa (còn gọi là Tết Nhôbrêhê) là ngày Tết quan trọng, mang nhiều nét văn hóa độc đáo, sinh động của cộng đồng người Raglay, K’ho đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Trước đây, lúa rẫy (hay còn gọi là lúa mẹ) là nguồn lương thực chính của người Raglay, K’ho. Mỗi mùa lúa thường kéo dài 6 tháng; cứ mỗi lần thu hoạch, mang lúa về nhà, đồng bào lại tổ chức cúng lúa. Gắn với tập tục đó, Tết Đầu lúa được duy trì cho tới ngày nay mặc dù hiện còn rất ít người dân trồng lúa rẫy. Tết gồm nhiều nghi thức truyền thống như lễ cúng hạt lúa mới để dâng lên thần linh, tổ tiên những hạt gạo tốt nhất; lễ cúng cầu mưa thuận gió hòa…
Theo các già làng, nghi thức này nhằm thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ và niềm tin của đồng bào đối với cây lúa mẹ trên rẫy, cầu cho cây lúa không bị quấy nhiễu, không bị sâu rầy, bệnh tật để đơm bông trổ hạt, đem lại ấm no cho mọi người.
Năm nay, người dân các xã đón Tết trong không khí phấn khởi. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, lượng mưa kết thúc sớm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng nhưng nhờ được giá nên đời sống bà con cải thiện rõ rệt. Hiện giá lúa, giá khoai mỳ… ổn định ở mức cao. Việc triển khai mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm được chú trọng… nên bà con đón Tết trong tâm thế phấn khởi, vui mừng.
Để tạo sân chơi cho đồng bào dịp Tết Đầu lúa, đồng thời gắn kết tình đoàn kết, huyện Bắc Bình tổ chức Ngày hội Văn hóa thể thao các xã vùng cao luân phiên giữa 4 xã. Năm nay, bà con tập trung về xã Phan Tiến để cắm trại và vui chơi. Ngoài hoạt động giao lưu văn nghệ, ca múa hát, Ngày hội còn diễn ra các trò chơi dân gian như thi gùi nước về làng, thi giã gạo, đi cà kheo… Đặc biệt, đêm hội Tết Đầu lúa là hoạt động vui nhộn và đặc sắc nhất trong Ngày hội.
Hồng Hiếu