Đồng bào Khmer Sóc Trăng đón lễ Sene Dolta an toàn

Đôlta
Đôlta

Đón lễ Sene Dolta, đồng bào Khmer Sóc Trăng nhận thức được sự tác động và ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tiêu chí an toàn, sức khỏe, gọn nhẹ, không tụ tập đông người được ưu tiên thực hiện.

Đồng bào Khmer Sóc Trăng đón lễ Sene Dolta an toàn ảnh 1Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tổ chức gặp mặt mừng lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Ông Lâm Sách, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, sức khỏe, đời sống của nhân dân. Với quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự ủng hộ và chấp hành của người dân, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của đồng bào Khmer, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, sản xuất kinh doanh dần được khôi phục.

Để tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong dịp diễn ra lễ Sene Dolta, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cùng với các Trụ trì và Ban Quản trị các chùa tuyên truyền, vận động đồng bào phật tử nâng cao ý thức chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là chấp hành nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Các hoạt động mừng lễ được tổ chức quy mô nhỏ, chủ yếu trong phạm vi gia đình, không tổ chức tiệc tùng, liên hoan linh đình. Người dân hạn chế tham gia các nghi lễ tại chùa.

Theo Đại đức Lý Phét, Trụ trì chùa Serey Kandal, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, nhà chùa phối hợp với các cấp chính quyền tuyên truyền đến phật tử bằng cả hai ngôn ngữ Việt-Khmer về phòng, chống dịch COVID-19. Phật tử được tuyên truyền vận động không đến chùa tụ tập đông người; khi đến chùa thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch. Dịp lễ Sene Dolta năm nay, chùa không tổ chức các hoạt động vui chơi. Các chương trình lễ được tổ chức gọn nhẹ nhưng đảm bảo đúng phong tục, tập quán của người Khmer.

Lễ Sene Dolta cổ truyền của người dân tộc Khmer năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 5-7/10. Nhận thức mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 nên đồng bào Khmer đồng tình, khẳng định sẽ tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các hoạt động của lễ chủ yếu tổ chức tại gia đình, đầm ấm, vui tươi, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, trong 9 tháng năm 2021, tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực, sản xuất nông nghiệp, thủy sản được duy trì và có bước phát triển. Xuất khẩu hàng hóa đạt 95% kế hoạch; trong đó một số ngành, hàng là thế mạnh của tỉnh tiếp tục dẫn đầu so với cả nước, như xuất khẩu tôm đứng thứ nhất, xuất khẩu gạo đứng thứ 2…

Các chính sách an sinh xã hội đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc được tỉnh chú trọng triển khai đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 04 về lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Đây là Nghị quyết quan trọng góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, đạt được kết quả này là do sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh; trong đó, có sự đóng góp rất quan trọng của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, các vị chức sắc, chức việc và đồng bào Khmer. Ông Trần Văn Lâu mong muốn thời gian tới, đồng bào Khmer tiếp tục đồng hành với tỉnh để xây dựng Sóc Trăng ngày càng phát triển.

Chanh Đa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm