Trực tiếp tìm hiểu ở xã Chư Dreng, được biết xã có 21 người đang tham gia xuất khẩu lao động, chủ yếu tại thị trường Ả Rập Xê Út. Thu nhập của lao động đi xuất khẩu lao động nước ngoài gửi về đã giúp các hộ dân có người đi xuất khẩu lao động không còn lo lắng cảnh thiếu ăn. Trên địa bàn xã Chư Hreng đã mọc lên những căn nhà kiên cố, vật dụng đầy đủ, phát triển thêm đàn bò, tăng diện tích ruộng nương. Gia đình chị Y Lát, ở thôn Đăk Brông rất nghèo, 7 miệng ăn trông chờ vào 1ha sắn nên kinh tế gia đình luôn trong tình trạng túng thiếu. Có thông tin được xuất khẩu lao động, năm 2015 chị Y Lát và con gái đăng ký sang Ả Rập Xê Út giúp việc nhà. Mỗi người được trả 7,5 triệu đồng/tháng, hai mẹ con tích góp được 360 triệu đồng qua hai năm giúp việc. Hiện nay, sau khi về nước, nhà chị Y Lát đã được xây kiên cố với 3 phòng ngủ, mua sắm đầy đủ các vật dụng trong nhà. Ngoài ra, người nhà Y Lát còn mua thêm đàn bò 4 con giống để phát triển kinh tế, mở rộng thêm diện tích 1ha bời lời, trồng trên 500 cây huỳnh đàn đỏ. Ở nhà, nhờ tiền vợ gởi về, chồng chị Y Lát đã trả dứt điểm khoản nợ vay ngân hàng 20 triệu đồng.
Bà con ở xã Chư Dreng tham gia xuất khẩu lao động chủ yếu tại thị trường Ả Rập Xê Út. Ảnh minh họa: baoquangngai.vn |
Chị Y Lát phấn khởi cho biết: “Từ khi đi xuất khẩu lao động về thì cuộc sống gia đình tôi hoàn toàn thay đổi, con cái tôi được đến trường mà không lo cảnh đói ăn. Nếu đủ điều kiện tuổi tác và sức khỏe, tôi vẫn muốn đi nữa vì công việc cũng nhàn mà người ta đối xử với mình cũng tốt”. Theo đường giao thông nông thôn vào xã Chư Hreng có nhiều căn nhà khang trang mọc lên, bà con nơi đây cho biết những căn nhà to, đẹp đó là của những người đi xuất khẩu lao động gởi tiền về xây. Gặp chị Y Sen, thôn Đăk BRông, người cũng mới từ Ả Rập Xê Út về. Chị kể trước đây một mình chị tần tảo nuôi 3 đứa con, cảnh thiếu ăn liên tục làm cho những đứa trẻ không có điều kiện đến trường. Năm 2015, nghe thông tin Công ty Cổ phần xây dựng, cung ứng nhân lực và xuất nhập khẩu Thiên Ân (Tamax) tuyển dụng đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út, chị liền tìm hiểu rồi đăng kí tham gia. Phân vân về việc đi xa con cái bơ vơ nơi quê nhà, cuối cùng chị đành gởi con cho gia đình, dứt áo ra đi với mong muốn kiếm tiền đổi đời cho gia đình. Sau 2 năm 2 tháng “xuất ngoại”, chị Y Sen về trong sự mừng tủi đoàn tụ cùng đàn con. Với số vốn gần 200 triệu đồng, nay mẹ con chị đã xây được nhà ở kiên cố, lo cho con không còn cảnh đói ăn, mẹ con đùm bọc mua rẫy làm trồng mì, trồng bời lời phát triển kinh tế. Cuộc sống mẹ con chị Y Sen như bước sang một trang mới. Cuộc sống bà con dân tộc thiểu số tại xã Chư Hreng nhờ đi xuất khẩu lao động mà đã có những thay đổi đáng mừng. Đi xuất khẩu lao động để thoát ngèo là hướng đi mà bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum đang hướng đến. Bởi nếu ở nhà làm nương rẫy với số đất ít ỏi của gia đình, không biết đến lúc nào con cái mới đủ ăn, mới được đến trường như các bạn cùng trang lứa.
Đi xuất khẩu lao động để thoát ngèo là hướng đi mà bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum đang hướng đến. Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Chư Hreng, cho biết: “Xuất khẩu lao động đã giải quyết được bài toán về việc làm, tăng thu nhập nhờ đó mà đời sống bà con trong xã cũng được nâng lên. Tuy nhiên, chúng tôi phối hợp với cơ quan chức năng tìm hiểu và có thông tin chính xác về nơi làm việc của bà con để có biện pháp hỗ trợ nếu có bất trắc. Hiện tại, chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra cho các đối tượng xuất khẩu lao động tại địa phương. Hầu hết bà con đi làm đều gởi tiền về để gia đình phát triển kinh tế, xây nhà cửa, trả nợ ngân hàng”. Cũng theo ông Nguyễn Văn Luận, xuất khẩu lao động là hướng thoát nghèo cho bà con địa phương hiện nay. Cùng với các biện pháp hỗ trợ, quản lý, chính quyền địa phương sẽ giám sát chặt chẽ quá trình lập hồ sơ xuất khẩu lao động từ phía công ty ký kết hợp đồng với người dân cũng như chế độ chính sách đối với bà con tại địa phương.
Hồng Điệp