Sau khi thu hoạch đót được phơi khô để bán cho thương lái. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN |
Vừa phơi đót, anh Hồ Văn Thuận cười tươi cho biết, giờ đót rừng hiếm lắm, phải dậy từ sáng sớm, băng rừng, lội suối, trèo đèo vào sâu trong thâm sơn cùng cốc thì may ra mới kiếm được kha khá. Anh Thuận nhẩm tính, mỗi ngày nếu siêng năng thì cũng có thể chặt được từ 30 - 40 kg đót tươi, bán cho thương lái cũng được từ 150.000- 200.000 đồng/ngày. Số tiền đó tuy ít ỏi nhưng đối với đồng bào Cor thì ví như cả “gia tài” của họ, vì sau những ngày vui Xuân đón Tết, nhiều hộ phải rơi vào cảnh túng thiếu.
Những cung đường cong trên Tỉnh lộ 622B từ Trà Bồng đi Tây Trà đẹp ngoài sức tưởng tượng khi được “khoác” lên mình sắc vàng óng ánh xen lẫn màu xanh của đót. Thi thoảng, còn bắt gặp những già làng, thanh niên, phụ nữ gùi trên vai, lưng những bó đót được buộc kỹ càng, lững thững đi bộ về nhà giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ càng khiến cho mọi người thấy thêm yêu sự bình yên, hoang sơ nơi rẻo cao.
Người dân gùi đót về nhà sau khi thu hoạch. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN |
Ông Hồ Văn Dũng, một thương lái thu mua đót tại xã Trà Lâm chia sẻ, mỗi mùa ông thu mua từ 800- 900 kg đót. Cứ có tiền là mua, nếu bán không hết thì phơi khô, trữ lại bán dần dần kiếm tiền cho con cháu ăn học.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Bồng thông tin, đót tập trung chủ yếu ở các xã Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Thủy, Trà Sơn, Trà Bùi. Đây là nguồn thu chính của bà con sau Tết, tránh được cái đói mùa giáp hạt. Định hướng của huyện là sẽ duy trì và phát triển, nhân rộng thêm diện tích trồng đót để bà con có thêm sinh kế bền vững.
Cao điểm thu hoạch đót thường kéo dài từ tháng Chạp đến hết tháng 2 Âm lịch hằng năm và đót chỉ trổ bông một lần nên đồng bào Cor kháo nhau lên rừng “săn” nó vì không muốn bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền hiếm hoi này. Họ ví chúng như “lộc rừng” hay mùa “tiên” cho họ cuộc sống no ấm.
Vĩnh Trọng