Đồng bằng sông Cửu Long và con đường phát triển nông nghiệp bền vững (Bài 3)

Đồng bằng sông Cửu Long và con đường phát triển nông nghiệp bền vững (Bài 3)
Để thực hiện điều đó, một cách làm hay ở tỉnh Đồng Tháp cần được nhân rộng ở các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
 
Bài 3: Đầu tư nguồn nhân lực cho hợp tác xã
 
Thiếu năng lực quản trị hợp tác xã
Đến Hợp tác xã Vĩnh Cường, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, đại diện Hội đồng quản trị tiếp chúng tôi tại văn phòng của hợp tác xã. Trụ sở làm việc của hợp tác xã được UBND xã Vĩnh Mỹ B cho mượn để hoạt động.
Đóng gói xoài tươi chuẩn bị cho xuất khẩu sang Úc tại Công ty Kim Nhung Đồng Tháp. Ảnh: Đức Nhung-TTXVN
Đóng gói xoài tươi chuẩn bị cho xuất khẩu sang Úc tại Công ty Kim Nhung Đồng Tháp. Ảnh: Đức Nhung-TTXVN

Theo lời ông Mai Văn Út, Phó giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Cường, dù mới thành lập vào tháng 5/2016 với vài chục thành viên, nhưng đến nay đã thu hút được 485 xã viên tham gia với tổng diện tích canh tác lúa trên 6.000 ha. Điều đáng nói, hợp tác xã này còn liên kết với các nông hộ bên ngoài hợp tác xã để nâng vùng nguyên liệu lúa liên kết với các doanh nghiệp lên đến 10.000 ha.

“Ngoài việc liên kết doanh nghiệp để bao tiêu lúa tươi cho nông dân, hợp tác xã còn cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ sấy lúa, có vùng sản xuất và cung cấp lúa giống cho bà con nên hoạt động của hợp tác xã rất hiệu quả trong năm 2017”, ông Út vui mừng cho biết.
  
Theo ông Út, lợi nhuận hoạt động sau khi trừ hết chi phí trong năm 2017 của hợp tác xã lên đến 5 tỷ đồng.

Đánh giá về sự thành công này, ông Út cho rằng đó là do kể từ khi thành lập đã tập hợp được các thành viên quản trị có trình độ chuyên môn bậc đại học, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của hợp tác xã, có hợp đồng chặt chẽ với các doanh nghiệp nên đã giữ được uy tín, đảm bảo việc bao tiêu lúa cho nông dân.

"Hiện nay vùng diện tích 10.000 ha lúa, không có một thương lái bên ngoài nào có thể vào đây thu mua được lúa của nông dân”, ông Út khẳng định.
 
Hợp tác xã Vĩnh Cường là đối tượng thụ hưởng trong Quyết định 445/QĐ-Ttg của Thủ tướng về phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020” nhằm nâng cao nhận thức trong hợp tác sản xuất.

Cụ thể, đầu năm 2018, hợp tác xã Vĩnh Cường đã được chính quyền tỉnh Bạc Liêu thống nhất hỗ trợ vốn (tối đa 2 tỷ) để đầu tư kho trữ lúa và trụ sở làm việc. Hiện nguồn hỗ trợ này đang chờ Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện.
  
Tuy nhiên, khi đặt vấn đề về những định hướng kinh doanh hợp tác xã 2018, ông Út cho rằng sau cuộc họp thống nhất với Hội đổng quản trị, định hướng kinh doanh vẫn tiếp tục việc “bán lúa tươi” cho doanh nghiệp.

Trong khi những định hướng phát triển như: xây dựng kho trữ lúa, đầu tư máy sấy lúa hàng hóa… hay ngay trong năm 2018 việc đầu tiên là từ sự hỗ trợ bằng Quyết định 445/QĐ – TTg nói trên và nguồn lợi nhuận đã có năm 2017 đã đủ nguồn vốn đối ứng 20% (trên tổng vốn đầu tư tối đa 2 tỷ) để đầu tư quỹ đất nhằm từng bước chuẩn bị cho kế hoạch phát triển kinh doanh của hợp tác xã thì vẫn Hội đồng quản trị vẫn chưa họp bàn.
 
Có thể nói, mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ nhưng việc quản trị của hợp tác xã đã cho thấy bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Nhìn nhận thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho rằng, hợp tác xã này đến nay vẫn có quy mô, quản lý theo “kiểu gia đình” vẫn chưa mang tính của một hợp tác xã kiểu mới. Do vậy, nhiệm vụ của tỉnh là phải tiếp tục nâng cao năng lực quản trị cho hợp tác xã.
 
Mặc dù mối liên kết của các doanh nghiệp – hợp tác xã Vĩnh Cường trong năm 2017 đạt hiệu quả khá khả quan, nhưng chưa thể khẳng định đây là mối liên kết bền vững. Chỉ cần thị trường có những biến động bất lợi thì mối liên kết này sẽ dễ bị gãy vỡ và việc chỉ bán lúa tươi, thiếu hệ thống sấy, kho lưu trữ sẽ làm giảm giá trị nông sản. “Chỉ cần qua 6 tiếng, chất lượng lúa tươi sẽ bị giảm đi ngay”, Chủ tịch Dương Thành Trung trăn trở.
  
Trong quá trình tìm hiểu hoạt động của các hợp tác xã tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam còn trao đổi với các chuyên gia, những hộ nông dân, đại diện các hợp tác xã để thấy được nhiều khó khăn trong quá trình vận hành hợp tác xã.
  
Trao đổi với đại diện hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp, ông Chung Hoàng Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc hợp tác xã cho biết, hợp tác xã thành lập vào tháng 11/2017 với tổng diện tích trồng nhãn là 120 ha và có vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ ngày thành lập cho đến nay hợp tác xã vẫn chưa xây dựng được kế hoạch kinh doanh năm 2018.
 
Điều đáng nói, để hỗ trợ hoạt động cho các hợp tác xã kiểu mới, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã chủ động phối hợp với Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2 – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm cử các nhà khoa học chuyên ngành về hợp tác xã trực tiếp hỗ trợ cho các hợp tác xã này.
  
Tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2 cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu và xây dựng sẵn 16 phương án sản xuất kinh doanh cho các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tùy thuộc theo năng lực tài chính và điều kiện khác, các hợp tác xã sẽ được tư vấn và lựa chọn một hoặc vài phương án kinh doanh để triển khai hoạt động. Ngoài ra, chúng tôi còn chủ động liên hệ các doanh nghiệp để tạo cầu nối liên kết với hợp tác xã”, Tiến sĩ Hải nói.
  
Như tại hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa, mặc dù đã nhận được 16 phương án kinh doanh và đã được Tiến sĩ Trần Minh Hải tư vấn lựa chọn, cách thức triển khai cụ thể nhưng đến nay Hội đồng quản trị của hợp tác xã vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Trả lời lý do này, ông Chung Hoàng Hà và các thành viên chủ chốt khác trong Hội đồng quản trị hợp tác xã cho rằng, nguyên nhân chính là chưa tuyển dụng được các vị trí trong bộ máy hợp tác xã để triển khai thực hiện.
  
Ngay tại buổi tiếp xúc với các thành viên quản trị hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa, Tiến sĩ Hải phải tiếp tục phân tích, lý giải tầm quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2018 và nhấn mạnh khi có kế hoạch, việc hợp tác xã tuyển dụng hoặc từ việc tăng cường cán bộ xuống hỗ trợ cho hợp tác xã đều sẽ căn cứ vào kế hoạch kinh doanh của Hội đồng quản trị để thực hiện.
  
Cần trung tâm đào tạo nông nghiệp
Theo lời Tiến sĩ Hải, những thành viên trong hội đồng quản trị hợp tác xã được bầu ra là những người có uy tín trong nhân dân nhưng thiếu kiến thức quản trị. Do đó, việc đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho hợp tác xã là vô cùng quan trọng. Nhiệm vụ này rất cần có vai trò lớn của Bộ Giáo dục - Đào tạo, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng chương trình đào tạo hiệu quả.
 
Tiến sĩ Hải cho biết thêm, công tác đào tạo nhân lực cho các hợp tác xã vốn không phù hợp với thực tế. Hiện nay chưa có trường đại học nào đào tạo nhân lực quản trị hợp tác xã phù hợp, chưa có chương trình và giáo án chuyên biệt, cái cần đào tạo thì thiếu, cái đào tạo thì lại không sử dụng được. Hơn nữa, mô hình hợp tác xã của khu vực phía Bắc hoạt động khác biệt với mô hình hợp tác xã khu vực phía Nam. Nếu muốn nhân rộng hợp tác xã kiểu mới hiệu quả, thì chương trình đào tạo nhận lực quản trị cũng phải phù hợp với đặc trưng vùng miền.
  
Do vậy, Tiến sĩ Hải kiến nghị, cần những đơn vị đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực quản trị hợp tác xã ngắn hạn trong 6 tháng có cọ xát thực tế, sau đó mới cấp chứng chỉ. Đồng thời, sự đào tạo này phải mang tính kế thừa, chính là thế hệ sau của các thành viên hợp tác xã được đào tạo năng lực quản trị  vì chính họ đã được cọ xát thực tế, nắm được kĩ thuật sản xuất, không nặng về lý thuyết, xa rời thực tế.
 
 “Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có môn học “Tinh thần kinh doanh hợp tác xã”. Có như vậy, nguồn nhân lực này mới có thể giúp hợp tác xã phát huy vai trò lãnh đạo cộng đồng nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp, thay vì tư duy sản xuất nông nghiệp như trước đây”, Tiến sĩ Hải cho biết.
 
Ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho rằng, hiện nay trên cả nước hoàn toàn chưa có một trung tâm đào tạo nông nghiệp chuyên biệt, trong đó có phần đào tạo năng lực quản trị hợp tác xã. Khi thiếu năng lực quản trị, cho dù những khó khăn về vay vốn tín chấp, tiếp cận tín dụng dễ dàng, trao tiền trực tiếp vào tay hợp tác xã, nguồn vốn này khó phát huy hiệu quả tối đa, lợi nhuận không đến với các thành viên mà chỉ sinh lãi dưới hình thức hưởng lãi suất ngân hàng.
 
“Cấp thiết cần có một trung tâm đào tạo nhân lực cho hợp tác xã với 3 phần cơ bản là quản lý sản xuất, quản trị doanh nghiệp và kinh doanh sản phẩm nông sản. Với mỗi sản phẩm có một quy trình kỹ thuật sản xuất riêng nên đòi hỏi sự đào tạo này càng cụ thể càng tốt”, ông Thanh kiến nghị.
 
Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, để nâng cao khả nâng quản trị cho các hợp tác xã, Đồng Tháp đã xây dựng chương trình toàn cảnh nông nghiệp địa phương, cả nước và thế giới trên sóng truyền hình để nông dân tự cập nhật kiến thức.

Về phía tỉnh Đồng Tháp xác định đẩy mạnh đưa lao động làm việc có thời hạn theo hợp đồng của nước ngoài, xem đây chính là nguồn nhân lực cho tương lai khi đã tiếp thu phong cách lao động, tư duy sản xuất của các nước tiên tiến. Đồng thời, tạo môi trường cho các lao động trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Đặc biệt là, khuyến khích các du học sinh theo chương trình Mekong 1.000 làm việc bán thời gian cho các doanh nghiệp nông nghiệp để cọ xát với thực tế nông nghiệp công nghệ cao hiện nay.
  Anh Đức - Hồng Nhung
 Bài 4: Liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm