Đón Bằng Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia cho Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy”

Đón Bằng Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia cho Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy”
Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” - Hát múa ăn mừng dưới cây bông là một nét đẹp văn hóa tinh thần độc đáo, lâu đời của cộng đồng người dân tộc Thái ở Làng văn hóa Roọc Răm xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh nói riêng và các bản người Thái ở miền núi Thanh Hóa nói chung. Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” - Hát múa ăn mừng dưới cây bông đã được các thế hệ người Thái nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
 
Đón Bằng Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia cho Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” ảnh 1
Cán bộ và nhân dân xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia cho Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” - Hát múa ăn mừng dưới cây bông. Ảnh: Hoa Mai- TTXVN

Ngày nay, “Kin Chiêng Boọc Mạy” đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống người Thái xã Xuân Phúc và khá hoàn chỉnh về nghệ thuật trình diễn. Nét đặc sắc nhất trong Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” - Hát múa ăn mừng dưới cây bông chính là việc hát múa dưới cây bông. Lúc này, cây bông chính là vật trung tâm trong lễ "Kin Chiêng Boọc Mạy”. Cây bông được làm bằng tre hoặc luồng, hoa cây bông được làm từ cây dâu, cây sắn, cây chục bục với các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất. Tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo mà cây bông được làm 3, 5, 7, 9, 12 tầng. Hiện cây bông trong Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” ở làng Roọc Răm, xã Xuân Phúc được phép làm 9 tầng (tức là đã trải qua 9 đời thầy Mo), với hàng ngàn hoa đồng tiền từ 30 đến 40 cánh. Mỗi cây bông được đồng bào ví như một số phận con người, mỗi bông hoa là một mùa vụ.
 
Hình thức nghi lễ, trò diễn, vũ hội trong Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” - Hát múa ăn mừng dưới cây bông thể hiện tính cộng đồng trong bản mường rất chặt chẽ, đó là khát vọng tự do, bình đẳng, không phân biệt giai cấp, nghèo hèn, giữa con người với nhau, giữa con người với trời đất, thần linh. Người nhập vai "Thần", đóng vai "Mường trời" trong Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” - Hát múa ăn mừng dưới cây bông đã mượn cái "uy" của thần để nói cái thực ở đời, để răn dạy người đời điều chỉnh các hành vi văn hóa, không làm điều ác, sống yêu thương nhau và làm những điều tốt lành.

Thông qua Lễ hội, toàn bộ đời sống của bản, của mường cổ truyền được tái hiện lại bao gồm văn hóa sản xuất, văn hóa ứng xử tín ngưỡng, kho tàng tri thức dân gian... vì vậy Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” - Hát múa ăn mừng dưới cây bông thực chất là một chân giá trị về văn hóa truyền thống của đồng bào Thái, ra đời và tồn tại cùng với sự vận hành của thiết chế bản mường. Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” - Hát múa ăn mừng dưới cây bông có sức sống lâu bền và trở thành tâm thức dân gian trong đời sống của nhiều thế hệ người Thái. Lễ tục này thường kéo dài từ 1 đến 3 ngày đêm, nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong làng bản. Trong ngày này, cộng đồng người Thái còn mời cả người Mường, người Kinh sinh sống trong làng bản đến dự lễ hội.
 
Chính từ những giá trị văn hóa tinh thần và lâu đời ấy mà Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” - Hát múa ăn mừng dưới cây bông của Làng văn hóa Roọc Răm xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia năm 2017.
 
Nghệ nhân ưu tú - Thày Mo Lô Đình Ước (Thôn 1, xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh) vui mừng cho biết: "Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy truyền thống của địa phương được các cơ quan chức năng công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là niềm vui lớn của nhân dân trong xã. Là một nghệ nhân, tôi sẽ cố gắng cùng bà con dân bản giáo dục, bảo tồn và lưu truyền cho các thế hệ mai sau để Di sản này không bao giờ bị mai một."
 
Ông Lương Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh khẳng định: "Để giữ gìn và phát huy giá trị của Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” - Hát múa ăn mừng dưới cây bông một cách đủ đầy cho đến ngày hôm nay là sự nỗ lực không ngừng của bà con nhân dân cũng như chính quyền địa phương. Việc Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia có ý nghĩa to lớn, khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú của người dân huyện Như Thanh nói riêng và nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung. Chính quyền và nhân dân huyện Như Thanh sẽ có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu, truyền dạy, tư liệu hóa di sản, qua đó khích lệ cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát huy di sản Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy”, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
 
Trong Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy ngoài phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi, trò diễn như: Đánh mảng, nhảy sạp, ném còn, hát múa dưới cây bông, đánh trống âm để đuổi ma tà, gà đẻ trứng, trò trâu trời xuống mường dưới đi cày ruộng...
 
Hiện Thanh Hóa có 8 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản cấp Quốc gia.
Hoa Mai

Có thể bạn quan tâm