Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất nông nghiệp

Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất nông nghiệp

Chiều 11/3, UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu với 200 hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, cán bộ Hội Nông dân và các chủ thể có sản phẩm OCOP năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết, hiện nay, tỉnh có hơn 100 sản phẩm OCOP thuộc 46 chủ thể; trong đó, có một số sản phẩm bán chạy trên thị trường, thậm chí "cháy" hàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số sản phẩm chưa phát huy hiệu quả, thị trường tiêu thụ chưa lớn.

Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất nông nghiệp ảnh 1Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đối thoại với nông dân để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Buổi đối thoại là dịp để các nông dân gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với lãnh đạo tỉnh về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế, từ đó ìm giải pháp tháo gỡ, định hướng cách làm, nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi đối thoại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu Đặng Văn Châu đã trình bày về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển rừng bền vững theo Nghị quyết số 07, 08 của HĐND tỉnh và trình bày nội dung mẫu mã các sản phẩm OCOP, cách bán hàng, thương mại điện tử, nhãn mác sản phẩm…

Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất nông nghiệp ảnh 2Nhiều sản phẩm OCOP của nông nghiệp Lai Châu có tiềm năng lớn, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Về phía các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm OCOP; giải pháp hỗ trợ về vốn, thị trường để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân; tìm đầu ra cho sản phẩm khoai sọ; việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân; chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế cho người dân tộc; tháo gỡ lĩnh vực đất đai…

Theo bà Phạm Thị Lý trú tại bản Hưng Phong, xã Bản Bo, huyện Tam Đường nêu rõ, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về đầu ra sản phẩm, nguồn vốn. Từ đó, ảnh hưởng tới người dân như giảm thu nhập, nhiều doanh nghiệp nợ tiền. Do vậy, bà Phạm Thị Lý đặt vấn đề tỉnh sẽ có giải pháp gì về hỗ trợ vốn, thị trường để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người nông dân.

Ông Lê Xuân Sang, nông dân nuôi ong ở phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu đề xuất, đối với cơ chế hỗ trợ người nuôi ong, tỉnh nên thành lập một tổ nuôi ong, bởi vì các hộ gia đình có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ nhau. Việc nuôi ong hỗ trợ người dân cần xác định đúng thời vụ, mùa vụ và đúng đối tượng; nguồn vốn cấp cho các hộ nuôi ong cần khẩn trương và có cơ chế nếu cấp cho hộ nào mà không làm được thì phải trả lại nguồn vốn cho Nhà nước, tránh việc trục lợi chính sách.

Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất nông nghiệp ảnh 3Nhiều nông dân ý kiến về những khó khăn và trong sản xuất nông nghiệp và tìm hướng giải quyết. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Trước những vấn đề được đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các sở, ngành chức năng thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi trên thị trường; cung cấp đủ nhu cầu về các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và năng suất cao, phù hợp với lợi thế từng vùng, địa phương trong tỉnh. Đồng thời, rà soát, đánh giá tổng thể, toàn diện tất cả các chính sách đang thực hiện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh; tổ chức rà soát, đánh giá kết quả xây dựng hợp tác xã, thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ theo cơ chế, chính sách hiện hành để thúc đẩy tổ hợp tác phát triển.

Song song đó, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền và tập huấn đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa sản phẩm, vai trò và tác động của kinh tế hợp tác đối với kinh tế hộ gia đình…

Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất nông nghiệp ảnh 4Các đại biểu tham quan giang hàng sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Trước đó, tỉnh Lai Châu đã khảo sát lấy ý kiến, câu hỏi của cán bộ, hội viên, nông dân. Theo đó, tỉnh ghi nhận trên 100 ý kiến của các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, cán bộ Hội Nông dân và chủ thể sản phẩm OCOP.

Nguyễn Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm