Đổi thay trên quê hương Cẩm Sơn anh hùng

Đổi thay trên quê hương Cẩm Sơn anh hùng
Đường giao thông ở xã Cẩm Sơn. Ảnh: tiengiang.gov.vn
Đường giao thông ở xã Cẩm Sơn. Ảnh: tiengiang.gov.vn

Phấn khởi giới thiệu với khách về những vườn cây trái đặc sản xum xuê của địa phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Sơn Huỳnh Văn Mới cho biết, với mức thu nhập lên đến trên 1 tỷ đồng/ha đối với sầu riêng, từ 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng/ha đối với mít Thái siêu sớm và các cây ăn quả kinh tế khác, kinh tế vườn đã giúp thay đổi hẳn diện mạo nông nghiệp - nông dân - nông thôn miền quê gian khổ, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng một thời trước đây.
 
Theo ông Huỳnh Văn Mới, xã có gần 800 hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ba cấp, trong đó có gần 30 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh, gần 150 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, còn lại là cấp xã.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn Nguyễn Văn Út cho biết, Cẩm Sơn vốn là căn cứ kháng chiến cách mạng, nơi làm phá sản chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của giặc Mỹ, được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời chống Mỹ cứu nước. Nơi đây cũng gánh chịu hậu quả chiến tranh nặng nề. Vươn lên từ những mất mát, đau thương qua cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Cẩm Sơn xác định phát huy tốt các tiềm năng đất đai, lao động để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giàu đẹp.

Theo ông Nguyễn Văn Út, Cẩm Sơn hiện có trên 1.000 ha đất vườn. Nằm ở phía Nam Quốc lộ 1, xã có lợi thế về phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu cho nông dân theo hướng “chung sống với lũ”. Trong đó, vùng sầu riêng chuyên canh trên 800 ha, còn lại hơn 200 ha trồng mít Thái siêu sớm, cây có múi và một số loại cây ăn quả giá trị kinh tế khác. Thuận lợi phát huy tiềm năng kinh tế vườn quả đặc sản ở chỗ trong những năm qua, Nhà nước đầu tư kiện toàn hệ thống đê bao, cống đập phục vụ mục tiêu chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa bấp bênh sang hình thành các chuyên canh cây ăn trái có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu kết hợp phát triển giao thông, mở ra cơ hội giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân địa phương.
 
Nhờ vậy, thu nhập của người dân tăng mạnh qua từng năm, hộ giàu và khá chiếm tỉ lệ ngày càng cao, hộ nghèo giảm nhanh. Theo khảo sát của địa phương, năm qua, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt mức 49,2 triệu đồng/người/năm; năm 2019 nâng lên 55,5 triệu đồng người/năm. Năm 2020, xã phấn đấu đạt 60 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn 1,5%.

Kinh tế gia đình được cải thiện, đời sống khấm khá là động lực để nhân dân quê hương Cẩm Sơn anh hùng hăng hái chung sức xây dựng nông thôn mới theo chuẩn quốc gia thông qua những việc làm thiết thực như: Góp công sức bắc cầu, làm đường, nạo vét kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất; hiến đất phát triển giao thông theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hoàn thiện kiến thiết hạ tầng, tạo động lực thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội.

Đưa khách đi trên con đường mới làm được thảm bê tông rộng rãi, khang trang bờ Tây sông Ba Rày, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Sơn Huỳnh Văn Mới cho biết: Hưởng ứng cuộc vận động Chung sức xây dựng nông thôn mới, hộ ông Trần Đức Minh hiến thửa đất có tổng diện tích 1.000 m2, trị giá tiền tỷ để Nhà nước làm con đường Tây Ba Rày và đường ven rạch Ông Khậm; hộ ông Nguyễn Văn Đẳng hiến trên 1.000 m2 đất làm đường ven rạch Ông Khậm và đường Nông trường (Ấp 2, xã Cẩm Sơn), ông Nguyễn Ái Thanh hiến gần 500 m2 làm đường Nam Tham Rôn (Ấp 1)... Đây là những hộ đi tiên phong và có diện tích đất hiến cho Nhà nước làm đường nhiều nhất xã.

Nói về việc làm mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, ông Trần Đức Minh bày tỏ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bản thân ông và gia đình mong muốn góp công sức nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng quê hương Cẩm Sơn anh hùng mỗi ngày thêm đẹp giàu. Theo gương ông, hàng trăm hộ dân dọc hai bên đường Tây Ba Rày (dài khoảng 2 km) đều hiến đất làm đường.

Phong trào có sức lan tỏa mạnh trong toàn xã, 100% hộ dân dọc hai bên đường ven rạch Ông Khậm, Rạch Chùa (Ấp 1), đường Đông Ba Rày (Ấp 3, Ấp 4), đường Nam Tham Rôn (Ấp 1), đường Lộ Làng (Ấp 1), đường cặp kênh Thanh Niên (Ấp 4)… đều hăng hái hiến đất để Nhà nước thi công, hoàn thành những con đường đạt chuẩn nông thôn mới phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Mạng lưới đường sá ngang dọc chạy qua khắp các địa bàn vùng căn cứ kháng chiến cũ dần định hình tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn khó khăn một thời, mở ra cơ hội giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Đây là một trong những yếu tố giúp Cẩm Sơn được công nhận Xã Nông thôn mới vào năm 2017, về trước 3 năm so với lộ trình đề ra.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn Nguyễn Văn Út đánh giá: Nhân dân xã Cẩm Sơn có truyền thống cách mạng hào hùng, một lòng một dạ theo Đảng; luôn tâm niệm thực hiện Di chúc của Bác, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những hành động và việc làm thiết thực, trong đó, sự kiện đón nhận danh hiệu
Xã Nông thôn mới đánh dấu bước ngoặt đổi thay tận gốc rễ diện mạo nông nghiệp – nông dân – nông thôn nơi đây.

Tiến tới kỷ niệm 52 năm Chiến thắng Ba Rày (15/9/1967 – 15/9/2019) và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, Cẩm Sơn tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước hướng tới mục tiêu xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020. Hiện nay, qua khảo sát đánh giá, Cẩm Sơn đã đạt 16/18 tiêu chí về Xã Nông thôn mới nâng cao, chỉ còn lại 2 tiêu chí chưa đạt là Giao thông và Môi trường.

"Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đang phối hợp cùng các ngành và lãnh đạo các ấp, quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ để đảm bảo hoàn thành toàn bộ 18/18 tiêu chí và tiếp tục trở thành xã Nông thôn mới nâng cao đúng theo lộ trình đề ra, để quê hương anh hùng mỗi ngày thêm giàu, thêm đẹp như kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh" – Ông Nguyễn Văn Út khẳng định./.
 
Minh Trí
TTXVN

Có thể bạn quan tâm