Đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo của xã nông thôn miền núi Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đổi thay rõ nét. Hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, nhất là hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, trường học, trạm y tế, địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao cộng đồng...
Trên địa bàn xã ra đời nhiều mô hình chăn nuôi cho giá trị kinh tế cao; các mô hình trồng rau sạch, rau công nghệ cao, rau an toàn theo hướng hàng hóa; thu nhập, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
* Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
Xã Sông Cầu nằm về phía bắc và là cửa ngõ vào huyện Khánh Vĩnh. Toàn xã có 3 thôn, tổng số trên 360 hộ dân, với trên 1.300 nhân khẩu; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 10% dân số của xã, đại đa số người dân làm nông nghiệp.
Năm 2019, xã chính thức được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Khánh Vĩnh với 19/19 tiêu chí đạt được. Đến nay, Sông Cầu cũng là xã miền núi duy nhất của tỉnh Khánh Hòa đạt chuẩn nông thôn mới. Xã Sông Cầu đang tiếp tục nỗ lực duy trì mức độ các tiêu chí đạt chuẩn, hướng đến xây dựng chuẩn nông thôn mới nâng cao.10 năm trước đây, khi Sông Cầu được chọn thí điểm xây dựng chương trình nông thôn mới, toàn bộ nền kinh tế của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nông, lâm, nghiệp nhỏ lẻ, hệ thống đường – trường – trạm chưa đáp ứng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao, không mấy ai nghĩ sẽ có được bộ mặt khang trang sạch đẹp như hôm nay. Ấy vậy, Đảng bộ, chính quyền và người dân Sông Cầu đã làm được.
Ông Nguyễn Ngọc Hoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sông Cầu, cho biết, trong suốt thời gian thực hiện chương trình, xã đã điều chỉnh và tiến hành cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập …
Nhờ đó, từ một địa phương với cây mía đường Sông Cầu trở thành một trong những đi đầu trong chuyển đổi cây trồng như bưởi da xanh, mít, xoài… cho thu nhập cao, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Tại vườn của ông Võ Kế Nghị, thôn Tây Nam, xã Sông Cầu với khoảng 2 ha cây trồng các loại, hàng năm sau khi trừ chi phí, ông Nghị thu về từ 150 -200 triệu đồng, giúp nhà ông thoát nghèo bền vững và trở thành một hộ trồng trọt thành công của xã, được nhiều người quan tâm, học tập mô hình.
Ông Nguyễn Huy Vũ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Cầu cho biết thêm, trên địa bàn xã nhiều hộ thực hiện trồng cây theo phương pháp VietGAP, GlobalGAP nên đầu ra cho sản phẩm được thị trường ưa chuộng.
Nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có thu nhập thấp sang cây trồng có giá trị cao hơn theo đề án của huyện Khánh Vĩnh, hướng đến phù hợp với thị trường. Điều đặc biệt nữa, trên địa bàn xã, một số doanh nghiệp cũng tiến hành sản xuất cây trồng theo mô hình công nghệ cao và chế biến sản phẩm an toàn.
Cụ thể như sản phẩm dưa lưới Ô xanh tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Thương mại bền vững Diệp Châu đã được cấp chứng nhận chất lượng 4 sao. Trên diện tích 2ha, doanh nghiệp đã đầu tư toàn bộ hệ thống nhà kính, máy móc, trang thiết bị vận hành theo cơ chế tự động để trồng, thu hoạch và chế biến dưa lưới tiệm cận với chuẩn GlobalGAP. Sản phẩm của đơn vị là dưa lưới, nước ép dưa lưới với sản lượng đạt 10 tấn/năm, có thị trường tiêu thụ ổn định trên các kệ hàng siêu thị, thực phẩm sạch; đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng chục lao động phổ thông và có tay nghề của địa phương.
Ngoài ra, nhiều mô hình chăn nuôi như dê, bò, gà, heo lấy thịt cho giá trị kinh tế cao; mô hình trồng rau sạch, rau công nghệ cao, rau an toàn theo hướng hàng hóa được nhân dân xây dựng; từ đó đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân. Trên địa bàn xã hiện nay đã có Cụm công nghiệp Sông Cầu đang được vào hoạt động hứa hẹn tạo đà phát triển mới không chỉ cho xã Sông Cầu mà toàn huyện miền núi Khánh Vĩnh.
Tính đến hết năm 2020, tiêu chí thu nhập của người dân xã Sông Cầu trên 41 triệu đồng/ năm đã vượt chỉ tiêu theo Quyết định 531 (“Về việc quy định cụ thể hóa bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và mức đạt chuẩn nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020”), tỷ lệ nghèo đa chiều chỉ còn 1.47%.
* Nâng cao các tiêu chí
Về Sông Cầu hôm nay, đi trên những con đường hoa do người dân trồng trang trí, ngắm những căn nhà đã được xây kiên cố với mái ngói, mái tôn đủ sắc màu, cây trái trĩu cành trong vườn, phóng mắt nhìn lũy tre làng nơi có các tuyến đường được lắp bóng điện chiếu sáng xuyên đêm, tất cả minh chứng, nói lên đời sống vật chất lẫn tinh thần người dân ngày càng đổi thay.
Bộ mặt nông thôn của xã Sông Cầu đã có sự chuyển biến tích cực, hệ thống hợp thủy để tích nước cho bà con tưới tiêu trồng trọt cây ăn quả và diện tích cây ăn quả hàng năm đều tăng, năm sau tăng hơn năm trước; các trụ sở cơ quan, trường học, trạm xá được đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực và xây dựng khang trang hơn, đáp ứng cho nhu cầu làm việc của cán bộ, công chức, phục vụ nhân dân được tốt hơn. Trong lĩnh vực y tế - giáo dục, Sông Cầu không chỉ đạt mà còn vượt chỉ tiêu được giao. Tỷ lệ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi chỉ còn 11,8% ( chuẩn là 31.4%).
Theo đánh giá của Hội đồng Thẩm định nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa, hệ thống tổ chức chính trị xã hội xã Sông Cầu vững mạnh. Ông Nguyễn Ngọc Hoa khẳng định, trong suốt thời gian qua an ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo, người dân trong xã cũng tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhiều mô hình tự quản, liên kết bảo vệ an ninh trật tự hoạt động thường xuyên, nhờ đó không có các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Công tác cải cách hành chính xếp thứ 2 toàn huyện, minh bạch, đầy đủ, giúp giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, công dân đảm bảo theo đúng quy định.
Có được những kết quả trên chính là nhờ sự chung sức đồng lòng của các cấp và người dân trên địa bàn theo phương châm ưu tiên các tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau và vận dụng cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, vận động sức dân nên chương trình đã đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt, phải kể đến những người cán bộ xã cần mẫn, họ đã đến từng nhà dân để tuyên truyền về chương trình, vận động người dân cùng thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Những hoạt động đó đã kịp thời động viên, đồng hành, tạo không khí thi đua trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Theo ông Huỳnh Quang Thành, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa, chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh phát triển đồng bộ, được người dân, doanh nghiệp đồng tình hưởng ứng; trên địa bàn xã có nhiều mô hình phát triển sản xuất mới.
Từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là năm 2019 khi đạt chuẩn diện mạo nông thôn miền núi Khánh Vĩnh ngày càng đi lên cả “chất” lẫn “ lượng”. Thời gian tới, Ủy ban nhân dân huyện Khánh Vĩnh và riêng xã Sông Cầu phấn đấu phát triển xã nông thôn mới chất lượng cao vào năm 2025.
Phan Sáu