Đường về các phum sóc được nhựa hóa, giúp con em đồng bào dân tộc Khmer đến trường thuận lợi. Ảnh: Lê Sen – TTXVN |
Tới huyện Gò Quao những ngày này, trên khắp con đường dẫn vào các phum, sóc đều có hàng rào cây xanh rợp bóng, đường bê tông kiên cố, rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và mua bán hàng hóa. Xa xa là những căn nhà mới khang trang mọc lên, lời ca, tiếng hát vọng ra từ chiếc ti vi màu, làm cho vùng quê trở nên nhộn nhịp, báo hiệu niềm vui trên khắp phum, sóc.
Trường học trên địa bàn huyện Gò Quao được xây dựng mới khang trang, giúp con em đồng bào dân tộc Khmer đến trường học tập tốt hơn. Ảnh: Lê Sen – TTXVN |
Ông Danh Chiêu, người Khmer, sinh sống tại xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao, cho biết những năm qua, nhờ được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, các công trình phúc lợi, an sinh xã hội được đầu tư xây dựng. Trong đó, phải kể đến điện lưới quốc gia, nước sạch sinh hoạt, đường giao thông nông thôn, nhà ở… đã làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây.
Có được cuộc sống ấm no như hôm nay, nhất là với đồng bào Khmer là nhờ hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đồng bào Khmer đã đoàn kết, đồng lòng, cùng các dân tộc anh em sinh sống tại huyện Gò Quao chung tay xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đến nay, đã có 8/10 xã trong toàn huyện về đích xây dựng xã nông thôn mới. Hai xã còn lại là Thới Quản và Thủy Liễu, các cấp, các ngành cùng nhân dân địa phương đang ra sức phấn đấu trong năm 2019 sẽ hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Các ngôi chùa trên địa bàn huyện Gò Quao được đầu tư xây dựng để đồng bào Khmer đến dâng hương lễ Phật. Ảnh: Lê Sen – TTXVN |
Ông Danh Chách, ngụ ấp Hòa An, xã Thủy Liễu, là một trong những gia đình tiêu biểu thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trước đây, gia đình ông loay hoay với việc trồng lúa nhưng thu nhập rất bấp bênh. Nhờ được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nên gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Đường về các phum sóc trong huyện đã được trải nhựa, bê tông hóa. Ảnh: Lê Sen – TTXVN |
Cuộc sống ổn định, ông Chách ra sức cùng với chính quyền, nhân dân địa phương tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới như: Trồng cây xanh ven đường, làm hàng rào và vận động người dân cùng xây dựng hố rác, nhà vệ sinh, làm cầu, đường giao thông nông thôn…
Đường về các phum sóc trong huyện được xây dựng khang trang. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Ông Võ Văn Trà, Chủ tịch UBND huyện Gò Quao cho biết, bên cạnh thực hiện các phần việc của hộ gia đình trong xây dựng nông thôn mới, đồng bào Khmer còn tập trung phát triển kinh tế gia đình. Từ việc học hỏi, áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, kết hợp với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước dành cho đồng bào, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer ngày càng giảm đáng kể và đang ở mức tương đương với tỷ lệ hộ nghèo của người Kinh. Mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Gò Quao đầu năm 2019 đã tăng lên 41,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,3%.
Lê Sen