Đổi mới trên quê hương diễn ra Đại hội thi đua yêu nước lần đầu tiên

Đổi mới trên quê hương diễn ra Đại hội thi đua yêu nước lần đầu tiên

Tháng 5 năm 1952, tại xóm Khuân Lân, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì “Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất”. Tại Đại hội, Bác khẳng định: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua" và "Những người thi đua là những người yêu nước nhất"...

 Trải qua những năm tháng chiến tranh giành độc lập dân tộc và công cuộc đổi mới, lời kêu gọi thi đua yêu nước của Người từ quê hương cách mạng Thái Nguyên đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân, thúc đẩy các phong trào thi đua, góp phần làm nên những mốc son lịch sử chói lọi, những thành công vang dội trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước ngày càng phát triển toàn diện.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Hợp Thành đã không ngừng đoàn kết thi đua, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp.

Làm theo lời Bác, gia đình chị Lý Thị Bông Sen, từ hộ nghèo nhất xóm Khuân Lân nay đã có cơ ngơi khang trang và có nguồn vốn hỗ trợ những người khó khăn hơn để cùng nhau thoát nghèo. Theo chị Sen, những năm 2003, gia đình chị là một trong những hộ nghèo nhất xóm. Được sự hỗ trợ, động viên của các cấp chính quyền, gia đình đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi dúi, dê, bò... Đến nay, đàn dúi được nhân rộng lên tới 800 con, đàn dê gần 200 con, cùng với đàn trâu bò. Mỗi năm, thu nhập của gia đình chị sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 300 triệu đồng.

Chị Sen cho biết, vợ chồng chị đã chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và cung cấp giống cho gần 30 gia đình có nhu cầu chuyển đổi mô hình chăn nuôi ở địa phương. Bên cạnh đó, mỗi năm gia đình để ra từ 70 - 80 triệu đồng cho các hộ vay không tính lãi để làm ăn, buôn bán, cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Đinh Sỹ An, Trưởng xóm Khuân Lân cho biết, Khuân Lân có 78 hộ đều là đồng bào dân tộc Tày. Với sự cần cù, chịu khó, hăng hái thi đua phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân đã khá hơn xưa, nhiều hộ giàu lên từ các mô hình kinh tế tổng hợp, phát triển kinh tế đồi rừng. Đời sống văn hóa, tinh thần của bà con có nhiều chuyển biến với 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Hơn 90% số hộ trong xóm đạt gia đình văn hóa, các nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm...

Lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc từ Khuân Lân, 68 năm qua, các thế hệ người dân xã Hợp Thành đã không ngừng thi đua phát triển kinh tế. Các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội do các cấp chính quyền địa phương phát động đều được quần chúng nhân dân hưởng ứng, điển hình như phong trào xây dựng nông thôn mới...

Ngay sau khi phong trào thi đua “Hợp Thành chung sức xây dựng nông thôn mới” được phát động, các tổ chức đoàn thể cùng người dân phát huy tinh thần thi đua xây dựng nông thôn mới với nhiều hoạt động sôi nổi. Hội Nông dân phát động phong trào phát triển kinh tế nâng cao thu nhập và xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, thành lập các tổ hợp tác sản xuất rau an toàn. Hội Phụ nữ đã triển khai hoạt động của các câu lạc bộ "5 không, 3 sạch", tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng xóm nông thôn mới sáng, xanh, sạch, đẹp. Đoàn Thanh niên nhân rộng hoạt động của câu lạc bộ tình nguyện bảo vệ môi trường, đóng góp tiền và nhiều ngày công xây dựng các tuyến đường thắp sáng làng quê. Hội Cựu chiến binh với vai trò nòng cốt trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc... Kết quả, người dân đã đóng góp trên 2,4 tỷ đồng, hiến trên 33.600 m2 đất để mở rộng đường xá, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Năm 2018, Hợp Thành hoàn thành 19/19 tiêu chí, cán đích nông thôn mới trước 2 năm so với mục tiêu.

Theo ông Trương Hải Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hợp Thành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đã nhận thức được tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhiều hộ đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đầu tư sản xuất, phát triển một số sản phẩm chủ lực, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo. Hiện, xã đã hình thành được các vùng chuyên canh lúa nếp Vải, nếp cái Hoa Vàng; vùng trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu, cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đến nay, tại mảnh đất Hợp Thành, giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 82,3 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 32,5 triệu đồng, hộ nghèo giảm 2,5% mỗi năm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được hoàn thiện, bản sắc văn hóa được giữ gìn… Hợp Thành ngày càng vươn lên phát triển giàu đẹp, xứng đáng và tự hào là nơi được Bác và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước lựa chọn tổ chức “Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất”.

Trần Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm