Theo hai "nhà sáng tạo nhỏ tuổi", máy gồm hai phần chính: Bộ phận đặt trong lòng đất để tích và xử lý gió và bộ phận đặt trên mặt đất thu sấm chớp và chuyển tải thành các nguồn năng lượng điện. Máy hoạt động theo nguyên lý, khi bão hình thành với sức gió lớn, các máy quạt làm nhiệm vụ hút gió vào các bình chứa có sức nén. Tại bình chứa, bộ phận cảm biến sẽ đo cấp độ gió và xử lý theo hai hướng: một phần gió theo hệ thống dẫn ra ngoài lỗ thông gió đặt trên mặt đất; phần gió còn lại trong bình sẽ tác động và làm quay mô tơ điện, biến gió thành điện năng phục vụ con người. Các cột thu sấm chớp đặt trên mặt đất cũng được nối với bình tích điện dưới lòng đất để dự trự năng lượng. Máy được lắp đặt gần biển để làm suy giảm sức gió vào đất liền, do đó giảm sức tàn phá của bão đối với con người.
![]() |
Em Đinh Quỳnh Ngân và Đinh Thị Nguyệt Minh bên mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN |
Minh và Ngân chia sẻ, quá trình làm mô hình máy gặp không ít khó khăn. Tuy các vật liệu để lắp ráp mô hình đều dễ tìm như đồ chơi cũ, ống nước, giấy màu, vỏ chai nhưng khi lắp đặt và sửa các vật liệu để thành các bộ phận trong mô hình lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Không ít lần Minh và Ngân phải tháo ra làm lại nhưng hai em đều không nản lòng.
Tại cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ năm 2016, vượt qua 450.000 ý tưởng của học sinh tiểu học trên toàn quốc, mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất của Minh và Ngân đã đạt giải nhất khối lớp 4-5.
Cô Vũ Thị Loan, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Phú nhận xét, Minh và Ngân là hai học sinh thông minh, học đều các môn học. Ý tưởng máy thu và xử lý bão trong lòng đất của hai em được nhà trường đánh giá cao và tạo mọi điều kiện để các em hoàn thiện mô hình nhưng vẫn đảm bảo việc học tập trên lớp.
Nhận phần thưởng giá trị 20 triệu đồng, Minh và Ngân chia sẻ sẽ để dành số tiền để thực hiện các ý tưởng khoa học tiếp theo, đồng thời cố gắng học tập thật giỏi để thực hiện mơ ước trở thành kỹ sư trong tương lai.