Ngay từ sáng sớm, đồng bào Thái, Mông và nhân dân huyện Viêng Xay (Lào) từ khắp các nẻo đường đổ về chợ đông đúc. Ảnh: Khiếu Tư – TTXVN |
Vì đường sá xa xôi nên ngay từ chiều thứ Sáu, đồng bào Mông, Thái từ khắp các bản làng đã chuẩn bị hàng hóa, hành lý cho vào gùi sau đó từng tốp 5-7 người rủ nhau băng rừng xuống núi chuẩn bị buổi chợ sớm. Từ tờ mờ sáng, nhân dân, tiểu thương nước bạn Lào cũng nhanh chóng làm các thủ tục thông quan để sang Na Mèo kịp tìm vị trí tốt trong phiên chợ.
Không nhiều mặt hàng công nghiệp hiện đại và sầm uất như những khu chợ biên giới khác, chợ Na Mèo mang đậm bản sắc của một phiên chợ quê vùng biên dù vẫn được coi là chợ... quốc tế. Các mặt hàng được bày bán ở đây chủ yếu là sản vật địa phương và giá thường khá rẻ như: chuột rừng phơi khô, chuột rừng nướng, cá suối nướng, vải thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, chiếu, dưa chuột Lào, măng rừng, rau, cơm nắm, thịt bò... (của người Lào) và các mặt hàng gia dụng, giày dép, quần áo…
Trước kia, chợ chủ yếu là nơi giao thương, buôn bán của cư dân vùng biên hai nước Việt - Lào, ngày nay, giao thông, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 217 được nâng cấp, mở rộng đã thu hút người dân, du khách từ khắp nơi đến chợ.
Chợ Na Mèo đang được chính quyền địa phương đầu tư sửa chữa, nâng cấp với diện tích 7.000m2, vốn đầu tư 25 tỷ đồng. Ảnh: Khiếu Tư – TTXVN |
Chợ Na Mèo ngày nay không chỉ thu hút người dân bản địa mà còn có thương lái từ miền xuôi, huyện Viêng Xay (Lào) đến chợ tham gia trao đổi hàng hóa, tạo không khí giao thương sôi nổi, nhộn nhịp. Một nét đặc trưng nữa của phiên chợ là cùng lúc lưu thông hai loại tiền: Tiền Việt Nam đồng và tiền Kíp (Lào). Nhiều người chưa hiểu ngôn ngữ của nhau chỉ cần ra hiệu là có thể mua bán, trao đổi những mặt hàng cần thiết.
Tại phiên chợ, thổ cẩm là mặt hàng được phụ nữ dân tộc ưu thích trong ngày Tết. Các mặt hàng thổ cẩm được bày bán, góp phần tạo nên phiên chợ rực rỡ sắc màu ngày cuối năm.
Chị Mùa Thị Sênh, dân tộc Mông ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn cho biết: năm nào cũng vậy, cứ đến phiên chợ Tết là cả gia đình lại xuống chợ mua sắm. Vì đường xa nên gia đình phải dậy từ sáng sớm. Phiên chợ năm nay rất nhộn nhịp, đa dạng các mặt hàng, giá cũng phải chăng nên chị đã mua được váy áo đẹp cho cả gia đình vui Xuân và sắm nhiều đồ dùng khác chuẩn bị đón Tết.
Chị Mùa Thị Sênh, dân tộc Mông, bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, phải dậy từ sáng sớm để kịp phiên chợ. Ảnh: Khiếu Tư – TTXVN |
Thượng tá Hoàng Anh Hiếu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, xã Na Mèo, Quan Sơn cho biết: Chợ được hình thành từ cuối năm 1989, ban đầu chỉ là một khu chợ nhỏ lẻ của đồng bào Thái, Mông, xã Na Mèo. Đến năm 1999, chợ được nâng cấp, xây dựng thành khu chợ kiên cố, sạch sẽ.
Năm 2004, Cửa khẩu Na Mèo được nâng cấp thành Cửa khẩu quốc tế, chợ Na Mèo ngày càng nhộn nhịp hơn, hàng hóa phong phú hơn, lượng người giao thương cũng ngày một nhiều hơn. Hàng chục năm qua, chợ Na Mèo đã trở thành địa điểm giao thương hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa người dân huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) và huyện Viêng Xay (Lào) nói riêng, người dân hai nước Việt - Lào nói chung.
Các loại vải, váy thổ cẩm là mặt hàng được nhiều người lựa chọn trong phiên chợ ngày Tết. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN |
Dù mỗi tuần chỉ họp một phiên duy nhất vào thứ Bảy nhưng không thấy có sự xô bồ, chen lấn. Thuận mua, vừa bán, không nói thách nên dù mua được hay không, tất cả đều rất nhẹ nhàng, vui vẻ, Thượng tá Hiếu chia sẻ.
Ông Lữ Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa cho biết: Chợ Na Mèo đã trở thành sợi dây gắn kết tình cảm thiêng liêng của đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới hai huyện Quan Sơn-Viêng Xay (Lào). Hiện nay, chợ Na Mèo đang được chính quyền địa phương đầu tư sửa chữa, nâng cấp với diện tích 7.000m2, vốn đầu tư 25 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2020 sẽ hoàn thành. Trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu và có kế hoạch xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Na Mèo thành trung tâm giao thương hàng hóa giữa Thanh Hóa với Lào, nhất là các tỉnh Bắc Lào và vùng phụ cận.
Khiếu Tư