Một tiết mục văn nghệ của các cô gái Mường trong Lễ hội Bàn Bù. Ảnh Hoa Mai – TTXVN |
Mở đầu lễ hội, sau lễ thượng hương, những thanh niên, trai tráng của đất Mường huyện Ngọc Lặc sẽ thực hiện lễ rước nước thần từ điện thờ chính về khu Di tích văn hóa - lịch sử Bàn Bù. Sau đó, ông Ậu (thầy cúng) sẽ thực hiện các nghi lễ truyền thống của dân tộc Mường.
Tương truyền khu vực hang Bàn Bù, thuộc làng Ngán, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc vốn là nơi tập hợp quân sĩ và chế tạo vũ khí của nghĩa quân Lam Sơn. Cùng với đó, suối Bàn Bù cũng là phòng tuyến giúp nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần chiến thắng quân Minh, tiêu biểu là trận đánh vào tháng 11 năm 1420. Với chiến thắng này, nghĩa quân Lam Sơn đã thiết lập nên một phòng tuyến vững chắc, tạo đà cho cuộc khởi nghĩa đi đến thắng lợi. Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, khu vực hang Bàn Bù được vua Lê Thái Tổ sắc phong cho dân bản tổ chức ăn mừng chiến thắng vào ngày 18 và 19 tháng Giêng hàng năm.
Nghi lễ truyền thống tại Lễ hội văn hóa – du lịch Bàn Bù. Ảnh Hoa Mai – TTXVN |
Đến năm 2005, hang Bàn Bù đã được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng di tích lịch sử danh thắng và được đưa vào quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa này. Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Bàn Bù bao gồm: khu vực núi, hang động, suối nước, các di tích chùa Nán, đền thờ Mẫu Thoải, Đền thờ Lê Lai, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng sỹ nghĩa quân Lam Sơn...
Múa Pồn Pông - một Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của người Mường huyện Ngọc Lặc được biểu diễn trong lễ hội Bàn Bù năm 2019. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN |
Nét độc đáo nhất trong lễ hội văn hóa – du lịch Bàn Bù năm nay chính là màn trình diễn Xường giao duyên và hát múa Pồn Pôông (hát múa quanh cây bông). Đây chính là 2 di sản của huyện Ngọc Lặc vừa vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Xường giao duyên và hát múa Pồn Pôông có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần đồng bào dân tộc Mường Thanh Hóa. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nam thanh nữ tú người Mường lại rủ nhau hát đối từ bản nọ sang bản kia, thể hiện giản dị, mộc mạc những cung bậc cảm xúc trong tình yêu như vui vẻ, hạnh phúc, giận hờn… Những đôi trai gái say sưa trong lời ca tiếng hát, điệu múa quên cả thời gian, không gian.
Lễ hội văn hoá - du lịch Bàn Bù thu hút hàng nghìn người dân là cộng đồng các dân tộc Mường, Kinh và du khách tới tham dự. Ảnh Hoa Mai – TTXVN |
Bên cạnh đó, Lễ hội văn hóa – du lịch Bàn Bù cũng là nơi để các nghệ nhân các câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc thể hiện những nét tinh hoa nhất của dân tộc mình thông qua những âm thanh trầm, bổng của dàn cồng, chiêng, trống hội.
Lễ hội văn hóa du lịch Bàn Bù được huyện Ngọc Lặc cũng dịp để huyện tuyên truyền và quảng bá. Với nhiều hoạt động đặc sắc, lễ hội văn hóa du lịch Bàn Bù hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn với người dân, du khách trong dịp đầu năm Kỷ Hợi 2019.
Hoa Mai