Độc đáo Kinh lá buông vùng Bảy Núi

Độc đáo Kinh lá buông vùng Bảy Núi
Hòa thượng Chau Ty (sãi cả chùa Soài So, xã Núi Tô), Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Tri Tôn, là người duy nhất vùng Bảy Núi thành thạo với loại hình này.
 
Hòa thượng Chau Ty giới thiệu cách viết chữ trên lá buông.
Hòa thượng Chau Ty giới thiệu cách viết chữ trên lá buông.

Năm nay, ông tròn 70 tuổi và xuất gia đi tu có gần 60 năm. Ông biết viết, nói và đọc tiếng Việt chỉ chút ít. Thế nhưng, chữ Khmer cổ thì gần như “độc nhất vô nhị”, do toàn vùng Bảy Núi chỉ mỗi mình ông là vị sãi cả cao niên nhất.

Hòa thượng Chau Ty cho biết, hồi đó, nhà nghèo đâu được đi học, mà đường sá đi lại khó khăn lắm. Khi xuất gia, vô chùa chỉ được học chữ Khmer cổ thôi, rồi tập viết kinh trên lá buông. Cho nên mới biết rành mạch, còn nhớ tới bây giờ.
 
Hướng dẫn cách chọn lá buông.
 Hướng dẫn cách chọn lá buông.

Hòa thượng Chau Ty kể, lá buông là loại lá của một loài cây hiếm, nó gần giống như loại lá chằm nón mà chúng ta thường thấy. Còn gọi chữ Khmer cổ bởi có nhiều nét hơn chữ Khmer thường thấy, dùng để viết kinh, sách ở trong chùa, không phổ biến ngoài phum, sóc. Dân gian thường nói, chữ Khmer cổ “biệt truyền” là vậy, chỉ có người xuất gia được học và tập viết kinh trên lá buông mới hiểu.

Hòa thượng Chau Ty cho biết, ông là người may mắn được học và viết kinh trên lá buông. Mà, đâu phải làm thường xuyên, lúc nào mua được lá buông mới tiến hành. “Công phu lắm, chớ hổng có đơn giản” – Hòa thượng Chau Ty nói. Dùng thép nhọn khắc (viết) trên lá buông, sau đó mới lấy mực tàu pha dầu bôi lên, rồi đem phơi khô, nét chữ sẽ không phai và giữ gìn được lâu.
 
Chư tăng thực tập viết chữ trên lá buông
Chư tăng thực tập viết chữ trên lá buông 

Theo Hòa thượng Chau Ty, nội dung viết trên lá buông ngoài việc chép kinh kệ, các vị sư sãi còn ghi lại những câu chuyện giáo dục đạo đức làm người, khuyên răn mần ăn để báo hiếu ông bà, cha mẹ.

Tháng 7 năm 2014, lớp học dạy viết kinh trên lá buông đầu tiên được tổ chức tại chùa Soài So (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) do Hòa thượng Chau Ty hướng dẫn, với sự hỗ trợ của các ngành và các cấp, thu hút đông đảo sư sãi các chùa trong tỉnh An Giang về dự.
 
Với hỗ trợ của Sở Nội vụ và Sở VHTTDL tỉnh An Giang, lớp truyền dạy đầu tiên được tổ chức.
Với hỗ trợ của Sở Nội vụ và Sở VHTTDL tỉnh An Giang, lớp truyền dạy đầu tiên được tổ chức.

Hòa thượng Chau Ty luôn tỏ ra kỳ vọng ở học viên, bởi đây là sự kiện quan trọng của đạo Phật giáo Nam Tông Khmer vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang), góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.

“Đây là dịp phổ biến rộng rãi, lưu truyền cho các thế hệ sau này. Bằng không, chỉ nghe nói, mà đâu ai biết” – Hòa thượng Chau Ty tâm huyết. Ngay cả các loại hình văn hóa, nghệ thuật khác cũng tương tự như vậy.
 
Kiểm tra từng thẻ lá sau khi viết chữ.
Kiểm tra từng thẻ lá sau khi viết chữ.

Ngôi chùa Svay Ton, Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia (thị trấn Tri Tôn, tỉnh An Giang) được xác lập kỷ lục quốc gia là “Ngôi chùa lưu giữ bộ kinh lá buông nhiều nhất Việt Nam”. Đây là niềm vui lớn nhất đối với sư sãi, tà cha và đồng bào phật tử theo đạo Phật giáo Nam Tông Khmer ở An Giang.

Trong đó, có công của người cuối viết chữ Khmer cổ trên lá buông, chính là Hòa thượng Chau Ty (sãi cả chùa Soài So, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn), góp phần giữ gìn và giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Khmer vùng Bảy Núi với bạn bè gần xa.
 
Báo cáo kết quả từng học viên.
Báo cáo kết quả từng học viên.

Theo thegioidisan.vn

Có thể bạn quan tâm