Độc đáo đàn bầu

Độc đáo đàn bầu
Đàn bầu hay đờn độc huyền, đờn một dây thuộc nhạc cụ Việt Nam có từ lâu đời. Dân tộc Mường cũng có một cây đàn một dây Tàn Máng và dân tộc Chăm có đàn một dây Rabap Katoh.Thăng trầm đàn bầu Xuất phát từ một nhạc cụ dùng để kiếm sống của những người hát Xẩm phiêu bạt khắp làng quê, góc phố nghèo, kẻ chợ... vùng Đồng bằng Bắc Bộ, rồi đàn bầu tham gia một số dàn nhạc sân khấu Chèo, Tuồng. Đến năm 1892, đàn bầu mới được người hát Xẩm đưa vào Huế để biểu diễn. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đàn bầu được thay thế đàn tam trong ngũ tuyệt tranh - tỳ - nhị và bầu trong dàn nhạc cung đình Huế. Tuy nhiên, trong sâu thẳm của hệ tư tưởng phong kiến, đàn bầu vẫn không được coi trọng bởi đó là nhạc cụ của tầng lớp bình dân. Trải qua những bước thăng trầm trong suốt quá trình lịch sử, ban đầu đàn bầu làm từ ống bương (vầu hoặc mai), ngựa đàn là mảnh sành, mảnh sứ hoặc miếng gỗ cứng, vòi đàn là một que tre dài làm bằng dây móc, dây gai, dây tơ, bầu đàn làm bằng vỏ quả bầu nậm hoặc vỏ gáo dừa khô... Cho đến khi, thân đàn làm bằng gỗ, vòi đàn làm bằng sừng, bầu đàn làm bằng gỗ tiện theo hình quả bầu nậm, dây đàn làm bằng hợp kim... Đàn bầu sau nhiều lần cải tiến, đến nay có thể tham gia hòa tấu với nhiều nhạc cụ khác cùng một lúc và có thể trình diễn trên sân khấu lớn.
Đàn bầu dường như đang thống trị trong các hình thức nghệ thuật trình diễn của Việt Nam, là cây đàn duy nhất giàu ngôn ngữ, giàu bài bản, giàu tác phẩm nhất, có vị trí quan trọng trong sinh hoạt nghệ thuật Việt Nam.Đàn bầu giàu bản sắc Trong số các nhạc cụ dân tộc ở nước ta, đàn bầu là nhạc cụ thu hút sự chú ý, quan tâm nhiều nhất của các nhạc sỹ sáng tác và những người nghiên cứu, cải tiến nhạc cụ. Điều đó chứng minh bằng số lượng tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc độc tấu và số lượng cũng như quy mô của các đề tài nghiên cứu cải tiến nhạc cụ dân tộc, đàn bầu bao giờ cũng chiếm nhiều nhất. Trong các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam phục vụ du khách quốc tế và ngoại giao hoặc các sự kiện lớn của đất nước, của các nhóm, các đoàn đi biểu diễn nước ngoài luôn có tiết mục đàn bầu. Theo PGS. TS. NSƯT Nguyễn Bình Định, nếu để chọn cây đàn đại diện cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam, có khả năng giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam thì chắc chắn chúng ta sẽ chọn đàn bầu. Tuy nhiên, để cho cây đàn bầu được lưu truyền và phát triển bền vững thì còn khá nhiều việc phải làm. Đó là tổng kết đánh giá một cách khoa học các vấn đề về lịch sử, ý nghĩa xã hội, giá trị văn hóa, chức năng nghệ thuật, trình diễn (cổ truyền và hiện đại). Đồng thời, tiến hành quy chuẩn hóa, những tiêu chuẩn đo lường quốc gia về đàn bầu để tránh tình trạng tùy tiện, không thống nhất trong chế tác và sử dụng đàn bầu. Bên cạnh đó, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp như hiện nay, cần có chiến lược bảo vệ bản sắc dân tộc, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, trong đó có âm nhạc đang đặt ra nhiệm vụ cấp bách. Đặc biệt, trước một số dấu hiệu xâm hại quyền sở hữu đàn bầu của Việt Nam ở nước ngoài, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cần sớm đưa ra những tài liệu nghiên cứu chính xác có tính thuyết phục để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với đàn bầu.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho rằng: Trước mắt, Viện Âm nhạc cần trình Bộ VHTTDL để gấp rút xây dựng bộ từ điển về nhạc cụ các dân tộc Việt Nam. Nếu không, ca trù và đàn đáy rồi đàn bầu cũng biến thành của Trung Quốc, mặc dù chúng ta có từ thời Lý nhưng trên sách báo chính thống chúng ta không có gì cả. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất để bảo tồn văn hóa đó là các công trình nghiên cứu văn hóa chứ không phải các công trình văn hóa mang tính chính trị. Chính trị có tính thời cuộc, còn văn hóa kéo dài các thời kỳ, cho nên để bảo vệ văn hóa thì hãy làm những công trình văn hóa truyền thống. Cũng theo nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, trong 20 hồ sơ tới đây không có đàn bầu, nhưng đàn bầu Việt Nam nên được làm thành hồ sơ. Có lẽ, dự án tốt nhất để bảo vệ đàn bầu mà các nhạc sỹ đã và đang làm là sáng tác các tác phẩm để đàn bầu biểu diễn trong đời sống. Một nhạc cụ nếu không có tác phẩm, không được biểu diễn thì có hay ho đến mấy cũng không có lý do tồn tại. Cây đàn bầu đang chiếm ưu thế là được các nhạc sỹ đặt niềm tin vào khả năng diễn cảm để viết tác phẩm và thực sự nó đã đáp ứng được niềm tin ấy.

Minh Quế  (Theo Langvietonline.vn)
Langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm