Cơ hội lớn về xuất khẩu
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, hiệp định TPP được ký kết sẽ giúp các DN sản xuất và xuất khẩu thép trong nước được hưởng lợi nhiều, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu. Với mức thuế suất ưu đãi được thực hiện, DN Việt sẽ có thể đẩy mạnh xuất khẩu, giảm lượng tồn kho tiêu thụ.
|
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Đúc - Luyện kim Việt Nam, hiện nay, cơ bản nguyên liệu của ngành thép đều phải nhập khẩu, trong đó trên 40% nhập từ Trung Quốc. Ngoài ra, hiện tại ta cũng nhập nguyên liệu từ Australia, Nhật Bản nhưng do mức thuế cao nên chưa nhập nhiều. Nếu Hiệp định TPP có hiệu lực, ngành thép sẽ có điều kiện nhập khẩu nguyên liệu quặng, than từ các nước TPP với giá thành thấp, đặc biệt là quặng, than của Australia có chất lượng rất tốt. Với thị trường Mỹ, TPP sẽ giúp loại bỏ những rào cản cho thép Việt, hạn chế bị kiện. Mặt khác, Mỹ có thể sẽ đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Bên cạnh ngành thép thì dệt may, da giày cũng sẽ được hưởng lợi nhiều từ TPP do hiện nay, sản phẩm của ngành này xuất khẩu nhiều sang Mỹ, Nhật Bản. Ông Trương Đình Vấn, Phó giám đốc Công ty Dệt may Châu Giang (Hà Nam) chia sẻ: “Chúng tôi là DN chuyên về dệt, hiện nay 100% sợi của chúng tôi do trong nước sản xuất, không phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu tham gia TPP, chúng tôi sẽ có cơ hội nhập khẩu nguồn nguyên liệu đa dạng hơn từ nhiều thị trường với mức giá rẻ mà chất lượng cao. Đó là cơ hội mà chúng tôi sẽ tận dụng”.
Còn bà Phan Thanh Xuân, Tổng Thư kí Hiệp hội Da giày -Túi xách Việt Nam đánh giá, khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP thì lợi thế trước tiên là xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 3,5 - 57,4% để hưởng ưu đãi về mức 0%, từ đó giúp DN da giày tăng trưởng xuất khẩu. Đây là cơ hội vàng cho ngành da giày phát triển cả về số lượng và chất lượng.
“Hiệp định sẽ có hiệu lực trong 1-2 năm tới nên trong năm 2015 chưa có tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu nhưng sẽ tạo môi trường thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài sản xuất nguyên phụ liệu và sản phẩm xuất khẩu tại Việt Nam”, bà Xuân cho biết.
Doanh nghiệp phải làm gì?
Mặc dù được hưởng lợi nhiều từ TPP, song các DN cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để cạnh tranh với hàng nước ngoài tràn vào, cũng như thích nghi với các điều kiện gắt gao khi xuất khẩu. Các DN có nền tảng yếu, công nghệ lạc hậu sẽ không đủ sức cạnh tranh.
Với ngành thép, theo ông Nguyễn Văn Sưa, các DN không thể ỷ lại vào chính sách hỗ trợ và ưu thế về thuế suất mà phải có sự đầu tư, cải tiến về kỹ thuật để tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm và quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm phải đảm bảo. Ngoài ra, việc quảng cáo, xúc tiến thương mại cũng phải được quan tâm để hình ảnh sản phẩm thép Việt Nam được các thị trường mới biết đến.
Ông Hoàng Mạnh Ánh, Phó TGĐ phụ trách kinh doanh Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà cho hay, sản phẩm vở gáy xoắn của đơn vị đã có mặt tại thị trường Mỹ và việc đàm phán TTP hoàn tất sẽ mở ra cơ hội lớn để công ty tiếp tục đưa nhiều sản phẩm thâm nhập thị trường này cũng như các nước có liên quan. Tuy nhiên, trước những thách thức đặt ra, DN sẽ phải chuẩn bị tinh thần để sản phẩm có sức cạnh tranh cao hơn.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Công ty Quốc Dương chuyên về thêu gia công chi tiết trên các sản phẩm quần áo xuất khẩu cho biết: “Do chỉ làm một quy trình nhỏ trong việc tạo thành sản phẩm xuất khẩu, sản xuất còn nhỏ lẻ nên khi Việt Nam hội nhập, công ty phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các đối tác. Chẳng hạn như các quy định về người lao động (bảo hộ, lương, bảo hiểm), nhà xưởng, phòng cháy chữa cháy…
Với ngành da giày, các DN sẽ phải tiếp tục đối đầu với nhiều thách thức trong nội tại của ngành và bản thân từng DN như vấn đề nguyên phụ liệu, nguồn nhân lực, công tác phát triển sản phẩm, quản trị doanh nghiệp… “Bên cạnh đó, các DN sẽ phải chuẩn bị đối phó với những thách thức mới, phát sinh từ yêu cầu của Hiệp định TPP”, bà Phan Thanh Xuân cho hay.
Đối với ngành chăn nuôi, các chuyên gia nhận định đây sẽ là ngành yếu thế nhất do phải cạnh tranh với gia cầm nhập ngoại. Ông Quách Thước, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm và trang trại nông nghiệp Thái Bình cho rằng, khi TPP có hiệu lực, nếu ngành chăn nuôi gia cầm không thay đổi cách sản xuất thì chỉ còn cách phá sản. Do đó, ngành phải thay đổi quan điểm chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng để hạ được giá thành sản phẩm, thông qua việc chuyển đổi chăn nuôi quá nóng sang chăn nuôi bền vững hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lưu ý: Đối thủ cạnh tranh đến từ các nước TPP đa phần là những đối thủ mạnh cả về năng lực cạnh tranh, quy mô vốn lẫn kinh nghiệm kinh doanh. Nếu không cạnh tranh được, doanh nghiệp sẽ mất thị trường, mất lợi nhuận, mất doanh thu, thậm chí có thể buộc phải đóng cửa. Những sản phẩm nào sức cạnh tranh yếu, tiêu thụ phần lớn ở trong nước, lâu nay vẫn được “bao bọc kỹ càng” trong khi doanh nghiệp các nước TPP lại có thể mạnh chắn chắn sẽ là những sản phẩm đầu tiên bị ảnh hưởng.
Đối với doanh nghiệp, trước tiên và trên hết là cần tiếp cận ngay các nội dung cam kết khi TPP được công bố để xem lợi ích mà mình tìm kiếm nằm ở đâu, thách thức ở đâu, điều kiện của chúng là gì, để từ đó xác định xem mình phải chuẩn bị gì để đáp ứng điều kiện hay hóa giải những thách thức. Ví dụ với doanh nghiệp xuất khẩu, sẽ phải xem dòng thuế nào được loại bỏ vào thị trường nào, quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế là gì. Với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nội địa, sẽ phải tìm kiếm xem sản phẩm tương tự của mình từ các nước TPP khi nào thì được vào Việt Nam miễn thuế, lộ trình là thế nào để điều chỉnh sản xuất cho hợp lý.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Ngoài vấn đề kinh tế, có hai khía cạnh khác của TPP mà dường như Việt Nam sẽ được nhiều hơn mất. Thứ nhất, đó là cơ hội về cải cách thể chế khi TPP bao gồm các cam kết cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư, về doanh nghiệp nhà nước, về mua sắm Chính phủ... Đây là những việc mà chúng ta đã và đang làm, các cam kết TPP sẽ cung cấp thêm một động lực to lớn để chúng ta thực hiện công việc này hiệu quả hơn. Thứ hai là cơ hội về xã hội và phát triển bền vững khi TPP chứa đựng các cam kết tham vọng về tiêu chuẩn lao động, môi trường… TPP với các cam kết hỗ trợ kỹ thuật có thể giúp chúng ta thực hiện được các mục tiêu này thuận lợi hơn, nhanh hơn. Để biến cơ hội từ TPP thành hiện thực, Chính phủ cần tranh thủ động lực TPP để cải cách triệt để, toàn diện, tạo ra một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, hấp dẫn, xa hơn nữa là tái cơ cấu sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng. Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Khi tham gia TPP, nông nghiệp Việt Nam sẽ có 4 cơ hội. Thứ nhất là có thị trường rộng lớn hơn 600 triệu dân, giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực trong việc phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Thứ hai, ngay sau khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản sẽ được giảm thuế, nhiều loại thuế xuống mức 0%, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho hàng nông sản Việt Nam như: thủy sản, đồ gỗ… Thứ ba, khi các thị trường thông thương sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư hơn từ các nước TPP, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Hiện Việt Nam chỉ có 512 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 3,43% số DN FDI, con số này quá thấp. Đặc biệt, giá trị vốn cam kết đầu tư chỉ là 3,33 tỷ USD chiếm 1,4%. Do vậy, TPP sẽ là cơ hội để ngành nông nghiệp thu hút đầu tư, thu hút công nghệ cao, kỹ năng quản lý. Cuối cùng, TPP sẽ giúp ngành nông nghiệp có cơ hội thúc đẩy việc tái cấu trúc lại ngành, trọng tâm là đưa công nghệ, cách quản lý mới vào nông nghiệp. Tạo ra một đòn bẩy để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong những năm sắp tới. |
Báo Tin Tức