Đoàn Giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại Kon Tum

Chiều 6/8, Đoàn Giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về giám sát việc đào tạo tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

vna_potal_doan_giam_sat_cua_hoi_dong_dan_toc_quoc_hoi_lam_viec_tai_kon_tum_7524307.jpgChủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Sau khi nghe Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2023, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đánh giá, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đã triển khai kịp thời nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhận định, việc thực hiện công tác đào tạo tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số của tỉnh dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn còn tồn tại nhất định như tỷ lệ cán bộ, công chức so với số lượng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chưa đồng đều. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện để sẵn sàng tạo nguồn cho cấp tỉnh; chú ý đến công tác nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; quan tâm đến công tác luân chuyển cán bộ.

Tỉnh tiếp tục quan tâm trong việc thu hút, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc thù của địa phương; tăng cường chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương về công tác cán bộ, nhất là cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các cấp ủy, đơn vị sở, ngành trên địa bàn.

vna_potal_doan_giam_sat_cua_hoi_dong_dan_toc_quoc_hoi_lam_viec_tai_kon_tum_7524300.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát cũng đánh giá, Kon Tum hiện chưa ban hành quy định riêng mang tính đặc thù của tỉnh để cụ thể hóa các quy định của Trung ương; tỷ lệ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số ở mức thấp; số lượng cán bộ, công chức, viên chức còn thấp so với số lượng người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nhiều đơn vị hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã không đảm bảo tỷ lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số…

Giải trình với Đoàn Giám sát, Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho rằng, hiện nay chỉ có cấp huyện là chưa đạt tỷ lệ, cấp tỉnh và xã đã đạt tỷ lệ, cơ cấu về cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số. Nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương thời gian qua còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn lực của tỉnh còn nhiều khó khăn khiến địa phương khó thực hiện các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Kon Tum kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung đối tượng cán bộ y tế khác được hưởng mức phụ cấp ưu đãi nghề tại Nghị quyết 69/2022/NQ-QH15, ngày 11/11/2022 về dự toán ngân sách nhà nước điều chỉnh việc tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề. Tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét, bổ sung thêm đối tượng là viên chức ngành Y tế công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cử đi đào tạo trình độ đại học tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/1/2011 về công tác dân tộc. Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, xem xét phê duyệt chỉ tiêu cử tuyển bác sĩ đa khoa năm 2024 cho tỉnh.

vna_potal_doan_giam_sat_cua_hoi_dong_dan_toc_quoc_hoi_lam_viec_tai_kon_tum_7524305.jpg
Thành viên Đoàn Giám sát nêu ý kiến, câu hỏi tại buổi làm việc. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Kon Tum hiện có gần 570.000 người; trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 55,1%. Giai đoạn 2016 - 2023, công tác quy hoạch, bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan nhà nước; quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng công chức là người dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm kịp thời. Cụ thể, trong 6 đại biểu Quốc hội của tỉnh Kon Tum có 3 đại biểu là người dân tộc thiểu số; 25/51 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số; 140/316 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện là người dân tộc thiểu số; 1.035/2.162 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã là người dân tộc thiểu số.

vna_potal_doan_giam_sat_cua_hoi_dong_dan_toc_quoc_hoi_lam_viec_tai_kon_tum_7524303.jpg
Thành viên Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phát biểu, giải trình và nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh là 358 người (chiếm 8,53%); cấp huyện có hơn 2.170 người (chiếm 18,93%); cấp xã có gần 1.390 người (chiếm 67,9%). Tỷ lệ công chức người dân tộc thiểu số tại cơ quan, đơn vị được giao chức năng, nhiệm vụ về công tác dân tộc tại Ban Dân tộc đạt 39% biên chế được giao. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh là 8,97%, cấp huyện đạt 14,93% và cấp xã đạt 33,14%.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm