Làng bè nuôi cá lồng trên sông La Ngà nay vắng vẻ, đìu hiu. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN |
Những ngày sau “thảm họa”, sông La Ngà cạn nước, lòng sông nứt nẻ bùn dẻo quánh. Trước đây phải mất khoảng 5 - 10 phút chèo ghe mới ra tới bè cá, nay chỉ cần lội bộ là có thể tới nơi.
Đang chuẩn bị nhặt rau, nấu bữa cơm đạm bạc để chia tay những người hàng xóm trên khúc sông này, anh Nguyễn Văn Khoái, ấp 1 xã Phú Ngọc, huyện Định Quán với vẻ mặt thất thần, ánh mắt chùng xuống nhìn vào xa xăm như đang tiếc nuối điều gì đó.
Anh Khoái cho biết, gắn bó với nghề nuôi cá nay đã hơn 14 năm, đây là kế sinh nhai, nuôi sống cả gia đình. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, liên tục là những đêm sau khi thức dậy, cá bất ngờ nổi đầu và chết hàng loạt khiến anh không kịp trở tay, đành bất lực nhìn hàng trăm triệu đồng mất trắng không cách nào thu hồi lại.
Theo anh Khoái, cũng khoảng thời gian này năm 2018, sau thảm họa cá chết hàng loạt, gia đình thiệt hại hàng trăm triệu đồng, phải vay mượn khắp mọi nơi. Năm nay, với hy vọng đầu tư để trả nợ anh vay hơn 100 triệu đồng thả giống, đến nay tổng cộng gia đình anh đang nợ hơn 400 triệu đồng. Nhưng một lần nữa tai họa ập đến, tất cả số vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng bỗng nhiên mất trắng.
“Mất trắng rồi, gia đình tôi không còn biết bấu víu vào đâu, không còn gì để phấn đấu và chăn nuôi được nữa. Cả gia tài giờ chỉ còn cái bè này, nhưng bán rồi, chiều qua người ta mới chồng tiền, ăn nốt bữa cơm này là tôi phải bàn giao lại bè cá cho người ta rồi lên bờ đi thuê nhà ở, ai mướn gì thì làm nấy thôi”, anh Khoái buồn rầu.
Anh Khoái cho biết, khoản tiền bán bè cá được 80 triệu đồng chỉ gần đủ tiền vay mượn bên ngoài đã đến hạn trả. Còn khoảng 300 triệu đồng đang thiếu nợ của đại lý thức ăn cho cá, anh chưa biết lấy nguồn ở đâu để trả.
Làng bè nuôi cá lồng trên sông La Ngà nay vắng vẻ, đìu hiu. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN |
Không chỉ riêng gia đình anh Khoái, nhiều gia đình kiệt quệ tới đường cùng, phải bán bè trả nợ, cũng có những gia đình nợ chồng nợ, không có khả năng chi trả.
Ông Võ Văn Thảo, ấp 1 xã Phú Ngọc, huyện Định Quán cho biết, từ sự cố cá chết năm 2018, gia đình mất trắng 200 tấn cá, thiệt hại hơn 6 tỷ đồng. Sau đó, huy động tất cả mọi nguồn vay để đầu tư giống làm lại mong trả được nợ.
“Mới đây, gần 10 tấn cá đã đến tuổi xuất bán, tôi hẹn thương lái đến cân rồi, nhưng thương lái chưa kịp đến cân cá thì cá đã chết hết rồi, lớn nhỏ gì cũng không còn lấy một con, 30 tấn cá sắp thu hoạch mất trắng chỉ sau một đêm mưa lớn, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Nợ cũ chưa trả được, nợ mới lại chồng lên”.
Ông Võ Văn Thảo cho biết, giờ chỉ mong muốn cơ quan chức năng về điều tra, làm rõ nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt trong những năm gần đây, trả lại nguồn nước ổn định như ngày xưa, giải quyết cho bà con được ổn thỏa để làm ăn sinh sống.
Không chỉ cá nhân một hộ nuôi cá nào mất trắng, hơn 500 hộ nuôi cá trên khu vực này đều chung cảnh ngộ. Họ chỉ biết kêu trời, bởi xung quanh ai cũng như ai, không biết bấu víu vào đâu. Kẻ mất ít, người mất nhiều, nhưng đó đều là toàn bộ vốn liếng, hi vọng của họ.
Ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, tình trạng cá nuôi bè chết thường xuyên xảy ra vào dịp giao mùa, khi kết thúc mùa khô chuyển sang mùa mưa. Thời điểm này nước sông xuống cạn, khi xảy ra mưa lớn làm nước từ đất liền chảy xuống, cộng với lượng bè nuôi dày khiến lượng ôxy hòa tan trong nước tụt giảm dẫn đến hiện tượng cá chết.
Những bè dùng để nuôi cá nay trống trơn, có hộ treo lên, có hộ phải bán bè để trả nợ. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, trước khi tới mùa mưa, chính quyền địa phương đã cử cán bộ ngành phối hợp với chính quyền cơ sở xuống hộ nuôi cảnh báo người dân di dời bè cá vào nơi an toàn hơn.
Tuy nhiên, sau khi nhận được cảnh báo, chỉ có một phần ba hộ nuôi dời bè cá xuống hạ lưu sông, số còn lại vẫn để bè ở lại và xảy ra hiện tượng cá chết như vừa qua.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh cuối năm nay phải hoàn thành quy hoạch chăn nuôi khu vực này, để đảm bảo người dân tuân thủ theo đúng những khuyến cáo của chính quyền địa phương nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân khi xảy ra những sự cố tương tự.
Trước đó, rạng sáng ngày 16/5, sau cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ, hàng chục hộ dân nuôi cá bè trên sông La Ngà đoạn qua 2 xã La Ngà và Phú Ngọc (huyện Định Quán) bất ngờ phát hiện cá nổi lờ đờ trên mặt nước sau đó chết hàng loạt.
Người dân đã nhanh chóng mở máy sục khí oxy, kéo bè về phía hạ nguồn cầu La Ngà để cứu cá, tránh thiệt hại, nhưng cá vẫn chết hàng loạt. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, cá lồng bè trên sông La Ngà chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi.
Lê Xuân