Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nằm trên địa bàn 2 huyện An Biên và Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đưa vào sử dụng tháng 11/2021. Vùng hưởng lợi của công trình thủy lợi này có diện tích tự nhiên 384.120 ha, thuộc địa bàn 5 tỉnh là Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng; trong đó, Kiên Giang chiếm 64,1% diện tích, với 247.432 ha.
Sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng theo quy trình vận hành tạm thời, mặc dù còn nhiều những hạn chế, bất cập cần sớm khắc phục, nhưng công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé cơ bản kiểm soát nguồn nước theo đúng mục tiêu và nhiệm vụ của dự án là kiểm soát nguồn nước mặn, lợ và ngọt, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn mặn, giữ ngọt, chủ động nguồn nước cho sản xuất vùng dự án.
Công trình thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé nối huyện Châu Thành và huyện An Biên của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: nld.com.vn
Tại tỉnh Kiên Giang, từ khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đưa vào hoạt động, hơn 145.600 ha vùng sinh thái ngọt thuộc vùng dự án cơ bản đã kiểm soát tốt, mặn không xâm nhập, vùng sinh thái lợ kiểm soát được nguồn nước với độ mặn phù hợp cho nuôi trồng thủy sản. Qua 2 mùa khô 2021 - 2022 và 2022 - 2023, một số địa phương trong vùng dự án không phải đắp đập tạm thời vụ để ngăn mặn như những mùa khô trước đây, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết: Trong năm 2022, tổng diện tích trồng lúa của 7 huyện là Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng thuộc vùng dự án là 311.436 ha, chiếm 44,51% tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh, sản lượng lúa thu hoạch hơn 1,9 triệu tấn, chiếm 43,62% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh; tổng lượt diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 265.300 ha, chiếm trên 90% tổng lượt diện tích thả nuôi toàn tỉnh, sản lượng thu hoạch hơn 223.410 tấn thủy sản nuôi các loại, chiếm gần 70% tổng sản lượng thủy sản nuôi toàn tỉnh; trong đó, lượt diện tích thả nuôi tôm các loại là 125.712 ha, sản lượng thu hoạch 67.050 tấn, chiếm trên 60% tổng sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh.
Từ đánh giá hiệu quả ban đầu của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, kết quả triển khai thực hiện một số mô hình sản xuất phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao và định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên địa bàn, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang định hướng sản xuất trong thời gian tới trên vùng dự án này theo hướng an toàn, bền vững, hiệu quả, sức cạnh tranh cao.
Theo ông Lê Hữu Toàn, đối với khu vực chuyên trồng lúa của các huyện Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao, U Minh Thượng, An Biên và Vĩnh Thuận, tiếp tục ổn định sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Đặc biệt là thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó, tỉnh đăng ký 200.000 ha.
Cụ thể, đến năm 2025, 7 huyện vùng dự án 35.000 ha; đến năm 2030, 7 huyện 70.000 ha nên các huyện tập trung quy hoạch ổn định cho vùng sản xuất lúa. Mặt khác, tỉnh phát triển sản xuất lúa hữu cơ 6.500 ha, đến năm 2030 là 25.000 ha, tập trung ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Gò Quao...
Tiếp đến, ổn định mô hình sản xuất cây ăn quả, khóm (dứa), rau màu của 7 huyện, nhất là các huyện ven sông Cái Bé, sông Cái Tư đã kiểm soát tốt ngọt cho vùng Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao và một phần Vĩnh Thuận, U Minh Thượng. Phát triển các vùng cây ăn quả tập trung gắn với phát triển du lịch thuộc 3 huyện Châu Thành, Giồng Riềng và Gò Quao.
Các huyện quy hoạch sản xuất theo đề án nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 đã được phê duyệt, phát triển cây ăn quả đến năm 2025, toàn tỉnh có 140 ha gồm: Xoài 20 ha, chuối 100 ha, sầu riêng, chanh leo, cây có múi 20 ha (Giồng Riềng, Gò Quao, U Minh Thượng). Đến năm 2030, toàn tỉnh có 650 ha gồm: Xoài 100 ha, chuối 400 ha, sầu riêng, chanh leo, cây có múi 150 ha (Hòn Đất, Giồng Riềng, Gò Quao, U Minh Thượng).
Ngoài ra, trồng khóm (dứa) hữu cơ đến năm 2025, toàn tỉnh có 200 ha ở xã Vĩnh Phước A (Gò Quao), Bình An (Châu Thành); đến năm 2030 là 2.500 ha trên địa bàn các xã Vĩnh Phước A, Vĩnh Thắng (Gò Quao), Bình An (Châu Thành), Vĩnh Bình Bắc (Vĩnh Thuận).
Cùng với đó, đối với nuôi thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ, ổn định mô hình sản xuất tôm - lúa hiện có là 102.900 ha tại các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng và Gò Quao. Tỉnh rà soát lại diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiên và phần diện tích đã nuôi tôm theo loại hình này chuyển sang mô hình tôm - lúa ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và Gò Quao.
Để sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững trên vùng dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé thuộc địa bàn 7 huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương nghiên cứu, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật từng vùng sản xuất, chuyển đổi sản xuất phù hợp với tình hình thực tế, tái cơ cấu nông nghiệp hợp lý, dịch chuyển thời vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, đạt kết quả kinh tế cao. Nghiên cứu đẩy mạnh ứng công nghệ vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho nông dân, gắn với liên kết tiêu thụ cho từng sản phẩm.
Mặt khác, tỉnh thống nhất chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng công trình chống ngập vùng hạ lưu sông Cái Lớn - Cái Bé từ nguồn ngân sách, xây dựng cống trên địa bàn hai huyện Châu Thành và An Biên, hơn 26 km đê bao, với tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư 14 cống còn lại trên tuyến đê biển An Biên - An Minh và huyện Châu Thành để đồng bộ, khép kín với hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, nhằm khai thác hiệu quả hệ thống thủy lợi được đánh giá bậc nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long này.
Lê Huy Hải