Chiều 23/12, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo "Định hướng phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bạc Liêu". Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện Ngày hội Du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP tỉnh năm 2023.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, ngành Du lịch tỉnh đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Năm 2023, Bạc Liêu dự kiến đón khoảng 4,2 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch khoảng 3.850 tỷ đồng. Du lịch phát triển đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống người dân. Địa phương có tiềm năng rất lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, loại hình này đa phần chỉ dừng lại ở mức độ tự phát nên các sản phẩm còn trùng lắp, đơn điệu và manh mún… Ông Phan Thanh Duy đề nghị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp lữ hành gợi mở, đề xuất giải pháp giúp giải quyết những tồn tại, hạn chế trong phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn của Bạc Liêu hiện nay cũng như hoạch định được cơ chế, chính sách phù hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, giá trị vốn có của loại hình du lịch này.
Bạc Liêu có 11/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long công nhận (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long). Hiện nay, loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, hướng đến thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa nơi đến đang là xu thế tìm kiếm hàng đầu của du khách. Vì thế, các sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống, du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng thông qua sự cộng hưởng, giao thoa về văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc đang được ngành tỉnh chú trọng xây dựng và phát triển.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đã cùng thảo luận, bàn các giải pháp nhằm định hướng phát triển hiệu quả du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới như: Khai thác hiệu quả nhất tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn của Bạc Liêu; thúc đẩy phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn của tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; định hướng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn để thu hút các công ty lữ hành kết nối tour, tuyến về Bạc Liêu; tạo sự lan tỏa khởi nghiệp trong du lịch nông nghiệp nông thôn nhằm tạo động lực phát triển, thu hút đầu tư mới và phát triển các ngành kinh tế quan trọng của Bạc Liêu…
Tiến sỹ Trương Thu Trang, Phó Trưởng phòng Quản lỹ khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Bạc Liêu đánh giá, Bạc Liêu có tiềm năng lớn về du lịch nông nghiệp, nông thôn. Để phát huy tiềm năng này, nguồn nhân lực du lịch có vai trò quan trọng, quyết định lớn đến sự thành công trong xây dựng và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Tại Bạc Liêu, một số lãnh đạo quản lý từ tỉnh đến các địa phương, xã phường tuy hiểu về du lịch nhưng vẫn cần bồi dưỡng thêm về du lịch nông thôn để chỉ đạo, điều hành được sâu sát, hiệu quả hơn. Thêm vào đó, một số giám đốc công ty du lịch, kể cả một số công ty làm lữ hành cũng chưa được đào tạo qua về du lịch. Do đó, Bạc Liêu muốn phát triển du lịch theo hướng bền vững cần đầu tư, chuyên môn hóa đội ngũ quản lý từ cấp tỉnh đến phường, xã. Khi cơ cấu, thay thế các chức danh quản lý trong chuyên ngành này cần chọn người giỏi về chuyên môn; nếu chưa có chuyên môn cần được bồi dưỡng, bổ sung kiến thức và thực tiễn chuyên ngành.
Bà Trần Thị Lan Phương, Giám Đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay, du lịch nông thôn của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế chưa phát triển tương xứng, nhận thức của người dân còn hạn chế. Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, bàn bạc và đưa ra nhiều giải pháp hay, hữu hiệu nhằm định hướng phát triển du lịch nông thôn của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới. Đồng thời, các chuyên gia du lịch cũng khẳng định tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh rất phong phú và đa dạng. Đây là những định hướng quan trọng để Bạc Liêu xây dựng kế hoạch khai thác tiềm năng và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thời gian tới.
Tuấn Kiệt