Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có những đóng góp thiết thực cho các phong trào ở địa phương, cùng chung tay xây dựng quê hương. Những người có uy tín đã phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực tham gia công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân; đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố chính quyền cơ sở, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Tạo mọi điều kiện để người có uy tín phát huy vai trò, vị thế
Bạc Liêu hiện có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, nhưng chiếm số lượng đông và chủ yếu là 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Bạc Liêu luôn là một lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Bằng uy tín của mình, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số có vị trí, vai trò và phạm vi ảnh hưởng rất lớn, luôn gương mẫu, tiên phong trong các phong trào, đồng thời vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như các quy định của địa phương.
Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, người có uy tín đã có nhiều đóng góp thiết thực trong củng cố, xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương, tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đại đoàn kết toàn dân tộc; có nhiều đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tiêu biểu trong phong trào này có ông Trương Thành ở Khóm 2, phường Hộ Phòng, Thị xã Giá Rai. Là cán bộ nghỉ hưu, nhiều năm qua, ông được người dân trong phường, nhất là cộng đồng người Hoa tín nhiệm bởi luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương. Bằng uy tín và tinh thần trách nhiệm của mình, ông huy động được nhiều nguồn lực, thậm chí tự bỏ tiền để giúp đỡ bà con trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, ông đóng góp, vận động ủng hộ hơn 1 tỷ đồng xây nhà tình thương, hỗ trợ gạo, tiền cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, tặng máy chạy thận cho Trung tâm Y tế thị xã. Ông còn cùng chính quyền hòa giải thành công một vụ tranh chấp đất tại Khóm 2, phường Hộ Phòng. Mới đây, ông vận động ủng hộ được gần 20 triệu đồng, cùng với người dân nâng cấp lại hẻm 19, đường Phan Đình Giót, Khóm 1... Những việc làm của ông tạo nên hình ảnh đẹp về người đảng viên trong lòng dân.
Bên cạnh những việc làm kể trên, người có uy tín còn làm tốt vai trò tuyên truyền đồng bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn nếp sống văn minh, phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa các dân tộc. Đối với việc giữ gìn an ninh trật tự, người có uy tín tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, giáo dục, cảm hóa người lỗi lầm tại cộng đồng dân cư”, kịp thời phát hiện và cùng cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo, kích động đồng bào vi phạm pháp luật.
Người dân ở ấp Cái Giá (thuộc xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) biết đến ông Thạch Cưng là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm liền. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn gương mẫu để con cháu noi theo.
Gần 10 năm qua, ông Thạch Cưng cùng Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ “3 tích cực trong đồng bào Khmer” đã tích cực tuyên truyền, kết nạp thêm thành viên, từ 24 người ban đầu, nay lên 54 người để chung tay cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ. Các thành viên câu lạc bộ đã phối hợp với Công an xã, lực lượng an ninh cơ sở tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự vào các dịp lễ, Tết, các sự kiện trọng đại của đất nước, của đồng bào dân tộc Khmer... Nhờ vậy, tình làng nghĩa xóm luôn được gắn kết, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi.
Ông Thạch Cưng cùng các thành viên câu lạc bộ và Ban Quản trị chùa Soryaram và chùa Buppharam (cùng ấp Cái Giá, xã Hưng Hội) đóng mới 4 chiếc ghe ngo mini trị giá trên 200 triệu đồng, thành lập một đội nhạc ngũ âm, hai đội trống Chhay-dăm… để tổ chức các hoạt động trong các ngày lễ, Tết của đồng bào dân tộc. Ông còn nêu gương thi đua lao động sản xuất để nâng cao đời sống, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Cầu nối giữa Đảng với dân
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp tích cực trong mọi hoạt động xã hội, luôn xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân trên lĩnh vực công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tích cực vào tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số...
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, các chính sách cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đã kịp thời động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho người có uy tín phát huy vai trò, tiếng nói của mình, có nhiều đóng góp thiết thực hơn trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần củng cố niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều thông tin, Bạc Liêu là tỉnh có đa dạng các dân tộc thiểu số với trên 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, chiếm 9,2% dân số toàn tỉnh; trong đó, người Khmer có hơn 17.000 hộ, chiếm 7,6%. Việc thực hiện các chính sách dân tộc, phong trào thi đua gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả tích cực. Tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát huy, nhiều mô hình tập thể, cá nhân sản xuất giỏi, làm kinh tế hiệu quả được biểu dương, khen thưởng. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt. Diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng khởi sắc, trình độ dân trí được nâng cao...
Bạc Liêu có 24 dân tộc thiểu số, trong đó các dân tộc Khmer và Hoa có số dân chiếm phần lớn. Theo Quyết định 306/QĐ-UBND, ngày 15/2/2023 của UBND tỉnh, Bạc Liêu có 130 người uy tín; trong đó, dân tộc Khmer có 89 người, Hoa 27 người, Kinh 13 người, Chăm 1 người. Người có uy tín vừa là cầu nối giữa Đảng với dân, vừa là động lực phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.
Có thể khẳng định, sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước bằng các chính sách dành cho người có uy tín đã tạo động lực quan trọng để người có uy tín thực hiện tốt sứ mệnh là “cầu nối” trong việc chuyển tải, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu ngày càng thêm bền vững.
Chanh Đa