Diện tích mía tại Hậu Giang tiếp tục giảm mạnh

Diện tích mía tại Hậu Giang tiếp tục giảm mạnh
Mía thu hoạch tại thành phố Vị Thanh được chở bằng ghe đến nhà máy đường. Ảnh: Duy Khương - TTXVN
Mía thu hoạch tại thành phố Vị Thanh được chở bằng ghe đến nhà máy đường. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Do những khó khăn của nghề trồng mía trong những năm gần đây nên người dân đã chủ động áp dụng đồng bộ các giải pháp để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận; cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ mía sang các loại cây trồng khác ở những khu vực trồng mía năng suất thấp, sản xuất kém hiệu quả.
 
Về lâu dài, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã đề xuất một số phương án tháo gỡ khó khăn, tạo sự ổn định cho người trồng mía. Theo đó, tỉnh sẽ rà soát lại quy hoạch vùng có năng suất, chất lượng, có đê bao mới tổ chức sản xuất; vùng ngoài đê bao, không đạt năng suất và chất lượng sẽ tiếp tục chuyển đổi dần sang các loại cây trồng khác có hiệu quả.
 
Những năm gần đây, nông dân trồng mía liên tục gặp khó khăn do giá mía và giá đường xuống thấp. Ảnh: baohaugiang.com.vn
Những năm gần đây, nông dân trồng mía liên tục gặp khó khăn do giá mía và giá đường xuống thấp. Ảnh: baohaugiang.com.vn

Bên cạnh đó, công ty mía đường sẽ tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao cho người dân những ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất mía theo hướng tăng năng suất, tăng trữ đường; đồng thời, kêu gọi tổ chức, cá nhân chế tạo máy để cơ giới hóa trong sản xuất mía, đặc biệt là cơ giới hóa khâu thu hoạch nhằm giảm giá thành sản xuất.

Để chuyển đổi cây mía sang cây trồng khác, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân, tùy thuộc điều kiện kinh tế và tình hình tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định hoặc được công ty cam kết bao tiêu mới tiến hành chuyển đổi và định hướng phát triển lâu dài. Tỉnh hiện đang ưu tiên xây dựng và triển khai nhân rộng một số mô hình như trồng cây cao lương hoặc cây ăn trái như chanh không hạt, nhãn Idor, cây dứa và kết hợp với mô hình nuôi trồng các loại thủy sản như cá đồng, ốc bươu đen,…

Ông Trần Văn Em, ở ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho biết đến nay đã chuyển đổi xong 0,5 ha mía sang trồng dứa. "Do hai niên vụ mía vừa qua liên tục bị thua lỗ dẫn đến niên vụ mía năm 2020, gia đình tôi không dám tiếp tục trồng mía. Đến nay có một số thương lái nói sẽ thu mua dứa, nên gia đình đã chuyển đổi cây mía sang trồng loại cây này".

Đến nay, niên vụ mía năm 2020, người dân Hậu Giang đã trồng mới được hơn 4.000ha mía tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Dự kiến giá thành sản xuất mía niên vụ mía này là 650 đồng/kg.
Hồng Dân
TTXVN

Có thể bạn quan tâm