Sáng 12/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII với chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp.
Tham dự Diễn đàn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, nông dân nước ta phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.
Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII một lần nữa khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ quốc phòng, an ninh, nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.
"Để xây dựng người nông dân chuyên nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia với chủ đề 'Người nông dân chuyên nghiệp', nhằm tạo cầu nối trao đổi, nhận diện thực trạng, đối thoại cởi mở, thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị xây dựng người nông dân chuyên nghiệp. Làm thế nào để có người nông dân chuyên nghiệp, đó chính là những câu hỏi đặt ra tại Diễn đàn", ông Lương Quốc Đoàn nói.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, Diễn đàn Nông dân quốc gia lần này diễn ra trước thềm Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi lần thứ VI (2022-2027) là một hoạt động có ý nghĩa, hết sức thiết thực, bổ ích. Nông dân đóng vai trò chủ thể trong việc thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế- xã hội, mỗi một kết quả, một thành công đều có sự đóng góp của 12 triệu hộ hội viên nông dân, trong đó có 4 triệu hội viên là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Nông thôn nước ta đang ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Tính đến nay đã có tới gần 65% số xã cả nước đạt tiêu chí nông thôn mới. Nhiều địa phương cấp xã, cấp huyện đang bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của người nông dân các khu vực bình quân đã cao hơn từ 2-2,5 lần so với năm 2010 khi chúng ta mới bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đó là những thành tích, kết quả rất đáng biểu dương và đầy nỗ lực, cố gắng của những người nông dân.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối diện với nhiều hạn chế nội tại của nền kinh tế, đòi hỏi phải sớm khắc phục. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp nước ta phát triển còn thiếu bền vững; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể chưa cao. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; lao động nông thôn có xu hướng già hóa; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng; an ninh nông thôn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp...
Phó Chủ tịch nước đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sớm tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của bà con nông dân, các doanh nghiệp và các đại biểu tham dự Diễn đàn, từ đó phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề trước mắt và lâu dài cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta.
Tham luận tại Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Thị Kim Hoa cho rằng, những nông dân chuyên nghiệp đã trở thành "đầu tàu" dẫn dắt các lớp nông dân khác vươn lên làm giàu, nắm bắt công nghệ, góp phần giải phóng sức lao động, từng bước nâng cao năng suất lao động của khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, bà Hoa cũng chỉ ra những hạn chế khiến phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi còn một số khó khăn, vướng mắc như: Nông dân trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực thi đua sản xuất. Một số nơi Hội Nông dân chưa thật sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, chưa có nhiều giải pháp, cách làm cụ thể; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện của một bộ phận cán bộ Hội còn yếu, thiếu tâm huyết, trách nhiệm, làm việc còn hành chính, thụ động, nên kết quả chung của phong trào có mặt còn hạn chế.
Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân gắn sản xuất với thị trường, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập; đào tạo người nông dân chuyên nghiệp; tăng cường liên kết hợp tác, dịch vụ hỗ trợ cho nông dân nhằm phát triển toàn diện phong trào ở các địa bàn; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề "tri thức hóa nông dân" trong lúc này là quan trọng, bởi hiện chất lượng lao động nông nghiệp của chúng ta đang suy giảm. Hiện nay, lao động nông nghiệp còn 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước). Tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn tới, nhưng quan trọng là cùng với sự “khan hiếm” lao động thì chất lượng lao động cũng suy giảm do hiện tượng già hóa dân số và tình trạng đô thị hóa đã “hút” nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị, dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động…
Các đại biểu đề nghị cần "tri thức hóa nông dân", nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh và hiểu biết của nông dân về các vấn đề xã hội, kinh tế nói chung và vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp nói riêng. Ngoài kỹ năng nghề nghiệp, nông dân cần nâng cao kiến thức, hiểu biết, nắm rõ, cập nhật thông tin về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế chung trên thế giới và Việt Nam, bởi mỗi biến động ở những vấn đề trên đều có tác động đến sản xuất và thương mại nông sản, liên quan thiết thực đến quyết định sản xuất, kinh doanh của họ.
Trả lời kiến nghị của đại biểu về vấn đề vốn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc cho biết, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm đến vấn đề này. Đặc biệt, trong tháng 6 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành hai Nghị quyết quan trọng là: Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Ngân hàng Nhà nước sẽ kêu gọi các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có cho vay đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, cho vay vốn lưu động, phục vụ sản xuất – kinh doanh của hợp tác xã…
Đỗ Bình