Những người dân xuất thân từ gia đình nhiều đời làm nông nghiệp, gắn bó với đồng rộng quê hương, đã thành công nhờ vào ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, những cá nhân được chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" còn giúp cho hàng vạn lao động nhàn rỗi có việc làm, thu nhập ổn định. Họ xứng đáng là những tấm gương sáng, cần được tôn vinh và lan tỏa.
Lấy chất lượng sản phẩm làm gốc
Là một trong những cá nhân đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022", ông Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1946, ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh được nhiều người biết đến không phải vì ông là giám đốc một hợp tác xã sản xuất rau củ quả quy mô lớn, mà vì ông luôn tâm huyết, gắn bó và có hơn 25 năm tham gia các phong trào của Hội Nông dân và sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Ông luôn hết mình với công việc, gương mẫu đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, sát cánh cùng hội viên nông dân làm giàu.
Ông Hiệp chia sẻ, sau nhiều năm theo dõi, tìm tòi, nhận ra lợi thế là địa phương có nghề trồng rau từ lâu, nhưng người dân chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả chưa cao. Nhìn ra nhược điểm đó, ông đã vận động bà con trong thôn thay đổi cách trồng rau truyền thống sang trồng rau an toàn. Để chứng minh, ông dành 6 sào ruộng khoán của nhà mình trồng các loại rau an toàn theo mùa, đem lại thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa và trồng rau cách cũ. Thấy vậy, bà con trong thôn đã tìm đến học tập kinh nghiệm. Năm 2009, ông Hiệp được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Liên Ấp.
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau an toàn là xu hướng tất yếu, năm 2011, ông Hiệp tập hợp các hộ trong thôn thành lập Tổ sản xuất rau an toàn thôn Liên Ấp do ông làm Tổ trưởng và trực tiếp điều hành từ khâu mua giống, lịch gieo trồng, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, kiểm tra nhật ký trồng rau trước khi xuất bán, rồi đến kết nối tiêu thụ, bình quân mỗi năm bao tiêu hàng trăm tấn rau cho nông dân.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, năm 2018, ông Hiệp đứng ra vận động các thành viên trong Tổ hợp tác góp đất, góp vốn, hoàn thiện các thủ tục liên quan thành lập hợp tác xã sản xuất rau, củ quả, nông sản an toàn thôn Liên Ấp do ông làm Giám đốc và hiện có tới 140 thành viên.
Ông Nguyễn Văn Hiệp khẳng định, thành lập hợp tác xã thì dễ, nhưng để mô hình này phát huy được vai trò và hiệu quả, phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, việc xác định hướng đi cũng như tinh thần đoàn kết của các thành viên là rất quan trọng. Thực tế cũng cho thấy, nhờ có nguồn thu ổn định từ sản xuất rau an toàn và lợi nhuận từ hợp tác xã, đời sống kinh tế của người dân trong thôn Liên Ấp khấm khá và nổi trội hơn so với các thôn khác trong xã rất nhiều. Năm 2021, chỉ 1 xóm trong thôn Liên Ấp đã có 14 hộ xây nhà mới, to đẹp và khang trang, trị giá 1,5 tỷ đồng trở lên.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đăng Khang, ông Nguyễn Văn Hiệp là một tấm gương điển hình cho mẫu hình người nông dân có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy canh tác, sản xuất. Dù đã lớn tuổi, việc đầu tư nghiên cứu, học tập kiến thức khoa học còn có những hạn chế nhất định, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, sự cần cù, sự ham học hỏi và nhất là tinh thần trách nhiệm với bà con nông dân ở địa phương, ông Hiệp đã mạnh dạn vận động bà con chuyển đổi mô hình canh tác và đem lại thành công.
Khác với ông Hiệp làm giàu từ đồng ruộng, chàng trai Đỗ Thế Anh (sinh năm 1991, ở xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã chứng minh cho mọi người thấy được sự sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ khi quyết tâm xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo, tạo ra chuỗi lúa gạo liên kết cùng người nông dân làm giàu.
Chia sẻ về hành trình xây dựng thương hiệu gạo Sao Khuê có chỗ đứng trên thị trường như hiện nay, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Sao Khuê Đỗ Thế Anh cho biết, sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2014, anh có cơ hội được đi thực tế đến nhiều địa phương của tỉnh và nhận ra Thanh Hóa có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển lúa gạo, bởi đây là một trong những tỉnh có diện tích lúa lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ nhưng tốc độ phát triển của ngành chưa tương xứng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Dự án Nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo tại xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn) với quy mô công suất 20.000 tấn gạo thành phẩm/năm đã ra đời trên ý tưởng táo bạo của một thanh niên mới ngoài 20 tuổi. Nhưng bằng kiến thức của mình, Thế Anh đã thành công khi thuyết phục được các cổ đông tham gia góp vốn đầu tư với tổng kinh phí ban đầu lên tới hơn 50 tỷ đồng. Ngay từ khi nhà máy đi vào vận hành, Thế Anh luôn xác định rõ: Để có thể xây dựng thành công thương hiệu thì việc quan trọng nhất là phải lấy chất lượng sản phẩm làm gốc, chỉ khi sản phẩm thực sự tốt thì mới bắt tay đi xây dựng thương hiệu, chinh phục thị trường.
Xác định rõ mục tiêu, anh cùng công ty phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, đưa chuyên gia trong ngành đến chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với bà con về các bước sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau 3 năm đi vào hoạt động, nhà máy đã liên kết được hơn 800 ha lúa tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Hà Trung, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn …
Đặc biệt, rất nhiều địa phương nhờ liên kết sản xuất, giá vật tư đầu vào thấp trong khi giá bán lúa lại cao, các khâu từ trồng đến thu hoạch lúa đều được cơ giới hóa nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện tại, nhà máy chế biến lúa gạo Sao Khuê đang sản xuất, kinh doanh 13 dòng sản phẩm phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Từ các sản phẩm chất lượng cao như sản phẩm gạo Ngọc Phố, nếp cái hoa vàng Quý Hương… Hiện nhà máy có tổng doanh thu hàng năm đạt khoảng 40 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân trên 1,7 tỷ đồng.
Sản xuất theo nhu cầu thị trường
Có thể thấy, trong 5 năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế – xã hội đất nước còn không ít khó khăn, nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và các cấp, các ngành, sự năng động, trách nhiệm của các cấp Hội trong việc đổi mới hoạt động; phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục đạt được nhiều kết quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu. Phong trào góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đặc biệt là trong đại dịch COVID – 19 vừa qua.
Trong giai đoạn 2017-2022, bình quân hằng năm, số lượng hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng 4,3%, đạt 6,21 triệu lượt hộ đăng ký, chiếm 53,4% so với tổng số hộ nông dân cả nước. Tổng số hộ nông dân được công nhận danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp hằng năm của giai đoạn 2017 – 2022 là 3,61 triệu hộ, chiếm 58,1% số hộ đăng ký.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho rằng, tiềm năng phát triển nông nghiệp của Việt Nam rất lớn, đất đai nông nghiệp hiện nay là gần 28 triệu ha, chiếm 84% tổng diện tích đất tự nhiên, là nguồn tài nguyên rất quan trọng góp phần vào việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Một điều quan trọng không thể không nhắc đến đó là người nông dân rất cần cù, chịu khó, năng động sáng tạo, mạnh dạn đổi mới, không cam chịu đói nghèo và vươn lên làm giàu, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Với tất cả những lợi thế đó, những điểm mạnh đó đã thúc đẩy cho nông nghiệp của Việt Nam phát triển và có lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, để thành công, theo bà Bùi Thị Thơm, người nông dân chuyên nghiệp cần phải có kiến thức vững chắc để làm chủ hướng đi của mình, để hoạt động sản xuất phát triển bền vững.
Cũng theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, người nông dân chuyên nghiệp phải là người có tri thức và tư duy kinh tế, nhất là những kiến thức về khoa học kỹ thuật, về quản trị; năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến; có tư duy đổi mới và sáng tạo, phải biết sản xuất ra những thứ thị trường cần, theo nhu cầu thị trường, chứ không phải sản xuất ra những thứ mà mình có và phải thấy sức mạnh của tinh thần hợp tác.
Bên cạnh đó, người nông dân chuyên nghiệp phải biết tạo ra những cơ hội, điều kiện để được tiếp cận với các dịch vụ công cộng, cũng như những phúc lợi xã hội để rút ngắn khoảng cách đối với cư dân ở đô thị; phát huy được vai trò là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, từ đó, nâng cao đời sống, thu nhập cho gia đình, đóng góp cho cộng đồng và xã hội.
Đỗ Bình