Diễn đàn các tổ chức xã hội với công tác giám sát quản trị rừng

Diễn đàn các tổ chức xã hội với công tác giám sát quản trị rừng
Trồng rừng tại một hộ dân được giao khoán ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN
 Trồng rừng tại một hộ dân được giao khoán ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, các tổ chức xã hội quan tâm đến lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là quản trị rừng và giám sát quản trị rừng còn hoạt động một cách đơn lẻ, thiếu sự phối hợp và chia sẻ nên đôi khi chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Kinh nghiệm từ sáng kiến của VNGO-FLEGT cho thấy từ khi có Nhóm Nòng cốt đa bên, việc phối hợp hoạt động giữa các tổ chức tham gia đã nhịp nhàng và hiệu quả hơn. Kênh chia sẻ thông tin thông qua Nhóm Nòng cốt đa bên cũng chính thống hơn. Vì vậy, vấn đề đặt ra trong thời điểm này là cần thiết phải có một cơ chế điều phối các hoạt động nhằm cải thiện quản trị rừng, giám sát quản trị rừng hay không, cơ chế đó là như thế nào, cơ quan, tổ chức nào đứng ra làm điều phối viên... Theo ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), đối với lĩnh vực lâm nghiệp, từ năm 2014, VUSTA và Tổng cục Lâm nghiệp đã ký kết chương trình phối hợp trong đó nội dung phối hợp thứ 6 liên quan đến tổ chức diễn đàn kết hợp với nghiên cứu phản biện chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong năm 2016-2017, hai bên đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động tư vấn phản biện và góp ý chính sách bao gồm: góp ý xây dựng Luật Lâm nghiệp, vận động thành lập Hội chủ rừng Việt Nam; xây dựng chính sách về quản lý rừng cộng đồng; góp ý vào Thông tư 21 về Khai thác chính và tận dụng tận thu lâm sản.... Việc tổ chức diễn đàn này nhằm làm rõ vấn đề giám sát xã hội trong lâm nghiệp diễn ra như thế nào, ai, tổ chức nào tham gia công tác này? Thuận lợi và khó khăn trong công tác giám sát xã hội trong lâm nghiệp; khung pháp lý trong ngành lâm nghiệp đặc biệt là Luật Lâm nghiệp vừa được Quốc hội thông qua tháng 11/2017 đã tạo ra khuôn khổ cho giám sát xã hội trong lâm nghiệp hay chưa; có thể đưa giám sát xã hội trong Lâm nghiệp như là một chủ đề trong chương trình phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hay không? Đề cập đến hệ thống giám sát thời gian thực để phát hiện mất rừng ở vùng nhiệt đới, Tiến sỹ Louis Reymondin thuộc Trung tâm nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) cho rằng, chúng ta cần dùng phần mềm Terra-i để giám sát bảo vệ rừng. Đây là phần mềm mã nguồn mở và hoàn toàn miễn, sử dụng dữ liệu vệ tinh có sẵn, linh hoạt để tích hợp các nguồn dữ liệu mới và hệ thống hiện có. Dữ liệu Terra-i giúp cán bộ khu bảo tồn và kiểm lâm địa bàn lập kế hoạch tốt hơn với các hoạt động hiện trường, thông tin phản ánh từ kiểm lâm được sử dụng để cải thiện chất lượng dữ liệu. Cán bộ khu bảo tồn và kiểm lâm có thể sử dụng thông tin để lên kế hoạch cho các hoạt động tại hiện trường và kiểm tra hiện trường ngay khi nhận được thông tin cảnh báo sớm. Thời gian làm việc của kiểm lâm vì thế sẽ hiệu quả hơn và họ có thể lập kế hoạch tốt hơn với các hoạt động tại hiện trường. Năm 2017, thông qua chương trình hợp tác của Liên hợp quốc về giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển và dự án thí điểm tại huyện Di Linh thuộc tỉnh Lâm Đồng (Việt Nam) là một trong những nước đầu tiên áp dụng hệ thống này tại khu vực Đông Nam Á. Tại diễn đàn, các  đại biểu tham dự cũng đã trao đổi, chia sẻ, thảo luận những thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong công tác giám sát quản trị rừng./.
 Thắng Trung            

Có thể bạn quan tâm