Một góc bản Huổi Tống A, xã Háng Lìa. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Sống trên vách núi cao cheo leo ở bản Huổi Tống A (xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông), ông Giàng Sáy Co, 52 tuổi, một thời là nạn nhân của "cái chết trắng" cho biết: Cách đây hơn 10 năm, vì không làm chủ được bản thân, ông đã bị bạn bè lôi kéo vào con đường nghiện hút ma túy. Những năm tháng chìm trong nghiện ngập, mọi tài sản trong gia đình như trâu, bò, lợn, gà ông đều đem bán hết. Các con phải ly tán, bỏ nhà đi xa quê làm ăn. Trước cảnh gia đình ly tán, ruộng vườn tan hoang, ông quyết tâm thoát khỏi “cái chết trắng”, nhưng không thành công. Sau đó, ông được các chiến sỹ công an vận động đưa đi cai nghiện. Cai nghiện được 5 năm, trở về với gia đình, ông chăm chỉ lao động sản xuất, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Hiện nay, cuộc sống gia đình ông đã ổn định hơn.
Ông Giàng Sáy Co, 52 tuổi sống tại bản Huổi Tống A, xã Háng Lìa từng là người nghiện ma túy nhưng đã bỏ được ma túy hơn 10 năm nay. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Thượng tá Hoàng Văn Hải, Phó trưởng Công an huyện Điện Biên Đông cho biết: Trên địa bàn Điện Biên Đông có 46/233 thôn, bản không còn đối tượng nghiện ma túy. Để đẩy lùi “cái chết trắng” ở các thôn, bản, lực lượng công an huyện Điện Biên Đông thường xuyên cử các đội phòng chống ma túy bám sát cơ sở, thực hiện "3 cùng" với người dân; phối hợp với lực lượng công an xã, lên danh sách rà soát đối tượng nghiện trên địa bàn, xây dựng kế hoạch cụ thể, đưa đối tượng nghiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật vào trại cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại cộng đồng, gia đình. Đặc biệt, những năm qua, công an huyện đã tham mưu ngành chức năng thành lập các trung tâm uống thuốc methadone để giảm tình trạng nghiện hút trên địa bàn.
Cán bộ chiến sỹ công an huyện Điện Biên Đông đến từng hộ dân vận động, tuyên truyền tác hại của ma túy tại bản Huổi Tống B, xã Háng Lìa. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Thiếu úy Đinh Quang Tuân (sinh năm 1992) quê Hưng Yên, sau khi ra trường, anh nhận nhiệm vụ tại huyện Điện Biên Đông và được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ bám nắm địa bàn, cùng ăn, cùng ở với bà con xã Háng Lìa. Thiếu úy Tuân cho biết: Để nắm địa bàn, quản lý hiệu quả tình hình an ninh trật tự ở địa phương, đặc biệt là ngăn chặn ma túy, anh thường xuyên phối hợp với cán bộ làng, bản, đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động bà con hiểu về tác hại của ma túy. Đặc biệt, đối với những người nghiện vừa mới được cải tạo trở về, anh cùng đồng nghiệp đến thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư, giúp họ hòa nhập cộng đồng, không tái nghiện.
Chia sẻ những khó khăn trong công tác, Thiếu úy Đinh Quang Tuân cho biết: Khi mới được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn xã Háng Lìa, anh rất bỡ ngỡ, vì Háng Lìa là xã vùng cao, địa hình đi lại khó khăn, vào mùa mưa hầu như bị cô lập với bên ngoài. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào Mông, sống phân bố khắp các đồi núi, để đến nhà người dân, anh phải đi bộ hàng chục km. Ngoài ra, ngôn ngữ và phong tục tập quán đồng bào dân tộc nơi đây cũng là rào cản với anh, nhưng dần dần anh cố gắng học hỏi để từng bước khắc phục khó khăn.
Cán bộ chiến sỹ công an huyện Điện Biên Đông vận động, tuyên truyền tác hại của ma túy tới từng người dân. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Để tăng cường công tác phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn Điện Biên Đông, đầu năm 2018, Công an tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Công an huyện Điện Biên Đông triển khai kế hoạch 750/KH-UBND ngày 30/3/2018. Trong đó, tăng cường 50 cán bộ, chiến sĩ về địa bàn, phối hợp với ngành chức năng địa phương xuống địa bàn trọng điểm ma túy ở các xã Sa Dung, Pú Hồng, Pú Nhi điều tra, rà soát danh sách người nghiện ma túy, tụ điểm mua bán, tàng trữ chất ma túy, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân về tác hại của ma túy…
Với quyết tâm xóa sạch tụ điểm ma túy trên địa bàn huyện, lực lượng công an đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành phát hiện, ngăn chặn “cái chết trắng”, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân.
Văn Dũng-Tuấn Anh